Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 3 ước đạt 88,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu quý I đạt 340,2 nghìn tỷ đồng, bằng 30% dự toán, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2020. Ước tính cả nước có 57/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 28% dự toán; 40/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ.
Thu từ dầu thô, thực hiện tháng 3 ước đạt 2,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu quý I đạt 8 nghìn tỷ đồng, bằng 34,6% dự toán.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 3 ước đạt gần 20,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu quý I đạt 54,9 nghìn tỷ đồng, bằng 30,8% dự toán, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số thu thuế ước đạt 86 nghìn tỷ đồng, bằng 27,3% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,8% dự toán.
Ở chiều ngược lại, tổng chi cân đối NSNN tháng 3 ước đạt 124,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi quý I đạt 341,9 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, bảo đảm các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN vui đón Tết cổ truyền.
Bộ Tài chính cũng đã phối hợp bố trí nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, biển đảo dịp Tết Nguyên đán.
Sử dụng dự phòng Trung ương 1.065 tỷ đồng để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2021 Thủ tướng Chính phủ giao là 461,3 nghìn tỷ đồng, bằng 96,64% dự toán Quốc hội quyết định; cùng với các nguồn lực khác (tăng thu, kết dư ngân sách...), các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng gần 47 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh việc quản lý ngân sách, Bộ Tài chính cũng tích cực triển khai cải cách thủ tục hành chính, cải cách hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/3, Bộ Tài chính đã ban hành 2 Quyết định công bố bãi bỏ 8 thủ tục hành chính (TTHC). Tổng số TTHC và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Tài chính là 970.
Trong đó, số DVCTT mức độ 1 là 100 (tỉ lệ 10,30%); số DVCTT mức độ 2 là 289 (tỉ lệ 29,79%); số DVCTT mức độ 3 là 70 (tỉ lệ 7,21%); số DVCTT mức độ 4 là 511 (tỉ lệ 52,68%). Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 581 (tỉ lệ 59,89%).
Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 296/581 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỉ lệ 50,94% (vượt 20% so với yêu cầu của Chính phủ).
Về triển khai cơ chế một cửa, lũy kế từ ngày 1/1 đến hết ngày 26/3, bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 332 hồ sơ TTHC thuộc 5 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học, giá, tài chính ngân hàng) và đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 232 hồ sơ bảo đảm 100% đúng hạn; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 100 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.