Bảo vệ quyền lợi người dân tốt hơn
Sau khi Luật ANM được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 68,68%, có ý kiến cho rằng quy định mới trong luật này có thể ảnh hưởng quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm của người dân. Trung tướng Hoàng Phước Thuận, nguyên Cục trưởng Cục ANM (nay là Cục ANM và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an), khẳng định Luật ANM không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận. Theo đó, người dân thoải mái sử dụng mạng để hoạt động không vi phạm pháp luật.
“Khẳng định đầu tiên của tôi là không có gì cản trở ngôn luận, nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm của chúng ta mà không vi phạm. 29 nội dung Bộ Luật Hình sự cấm, thì trên “không gian mạng” cũng phải cấm. Không thể nào đe dọa giết người trên mạng lại được tự do, trong khi đó đe dọa giết người ở đời thực thì bị bắt. Tương tự, không thể nào kích động biểu tình ngoài đời bị xử lý còn trên mạng thì không…”- Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết.
Với tư cách người tham gia ban soạn thảo dự án Luật ANM, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho rằng, chưa bao giờ luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhiều như vậy. Mọi hành vi vi phạm về tôn giáo, dân tộc, kỳ thị đều bị xử. Người dân được nói, được phản biện các vấn đề, miễn là không vi phạm pháp luật hình sự đã được quy chiếu.
Vì vậy, việc quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý loại bỏ nguy cơ phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện để người dân yên tâm kinh doanh, hoạt động trên không gian mạng.
Luật ANM quy định cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản. Với quy định này, nhiều người lo ngại sẽ bị lộ lọt thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện khoa học cảnh sát (Học viện Cảnh sát nhân dân), khẳng định sẽ không bao giờ xảy ra việc lộ lọt thông tin người dùng. Việc bảo đảm bí mật tuyệt đối thông tin các nhân của công dân vừa là trách nhiệm, mà còn là nghĩa vụ pháp lý; nếu để lọt, lộ sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả”.
Đấu tranh sai phạm trên không gian mạng
Theo thống kê của Công ty an ninh mạng Bkav, trong năm 2018, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên mức kỷ lục 14.900 tỷ đồng, tương đương 642 triệu USD, nhiều hơn 21% so với mức thiệt hại của năm 2017. Đây là kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Bkav thực hiện tháng 12-2018.
Trên phạm vi toàn cầu, tội phạm mạng gây thiệt hại lên tới khoảng 600 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,8% GDP toàn cầu. Trong đó, khu vực Đông Á thiệt hại ước tính từ 120 - 200 tỷ USD, tương đương 0,53 - 0,89% GDP khu vực. Mức thiệt hại 642 triệu USD tương đương 0,26% GDP của Việt Nam, tuy chưa phải cao so với khu vực và thế giới, nhưng cũng là mức đáng báo động.
Theo Bộ Công an cũng như các số liệu thống kê của Bộ TT-TT, Việt Nam hiện đang phải đối phó với hàng chục ngàn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao mỗi năm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất nặng nề về kinh tế.
Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng còn bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để phát tán thông tin kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn, khủng bố... Hoạt động sử dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội ngày càng gia tăng và phức tạp như đánh bạc, lừa đảo, đánh cắp tài khoản ngân hàng, rửa tiền, mại dâm, ma túy…
Tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; lan truyền thông sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân… diễn ra tràn lan trên không gian mạng, nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần.
Do vậy, những quy định trong nội dung Luật ANM của Việt Nam là cần thiết và theo xu hướng chung trên thế giới về quy định pháp lý bảo đảm ANM; đáp ứng yêu cầu thực tiễn chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm ANM, bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đặc biệt, không cản trở tự do internet và tự do ngôn luận lành mạnh và được pháp luật bảo hộ của người dân ở Việt Nam.
Luật ANM quy định 6 nhóm hành vibị nghiêm cấm thực hiện: - Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. - Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. - Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. - Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ ANM; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ ANM. - Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ ANM để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. -Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này. |