Ngày 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo-triển lãm quốc tế Ngày an toàn thông tin Việt Nam năm 2019, với chủ đề "Nâng tầm an toàn, an ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số."
Đây là sự kiện thường niên do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) tổ chức.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo-triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2019 được đánh giá là một diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, là sự kiện nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm 2019 tại Việt Nam.
Điều kiện tiên quyết để phát triển Chính phủ điện tử
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đảm bảo cho Việt Nam an toàn trong không gian mạng và cách mạng số là sứ mệnh của mọi cơ quan, tổ chức và toàn thể cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam.
Đặc biệt, hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng cho Việt Nam phải là "Make in Vietnam" (Sản xuất tại Việt Nam).
Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của mỗi người. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn.
An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách suy nghĩ, cách hành động, phải làm chủ công nghệ để đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong nhằm phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Hệ sinh thái là một mô hình tổng thể, toàn diện và đầy đủ các giải pháp. Doanh nghiệp có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên và khuyến nghị sử dụng.
Cùng với đó, một liên minh cũng sẽ được thành lập nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối.
Liên minh doanh nghiệp này cũng cam kết sử dụng sản phẩm của nhau để cung cấp một giải pháp tổng thể cho khách hàng.
Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng của nước ta vào loại tốt trên thế giới, với những chuyên gia đạt đẳng cấp quốc tế.
Cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với sự ủng hộ của Nhà nước và liên kết chặt chẽ của liên minh doanh nghiệp công nghệ thông tin, Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những doanh nghiệp lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Cần thay đổi nhận thức về an toàn-an ninh thông tin
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia không có sự lựa chọn nào khác là nhất thiết phải thúc đẩy công nghệ thông tin, trước hết là ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong công tác điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, hoạt động của các doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân.
Trong bối cảnh nước ta bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này, phải đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và những ngành nghề ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, phát triển phải có đảm bảo an toàn-an ninh và bản thân an toàn-an ninh cũng thúc đẩy phát triển.
Do vậy, không thể phát triển công nghệ thông tin nhưng không đảm bảo an toàn-an ninh thông tin để đảm bảo lợi ích của người sử dụng công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng chia sẻ, bằng sự nỗ lực của nhiều năm, năm 2019 Việt Nam đã đón nhận những tin vui liên quan đến an toàn thông tin.
Trước hết xếp hạng năng lực cạnh tranh trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa công bố thì Việt Nam tăng 10 bậc.
Chỉ số xếp hạng an toàn-an ninh thông tin của Việt Nam cũng tăng 50 bậc từ thứ 100 lên 50 trong khi Việt Nam nhiều năm qua luôn là quốc gia là mục đích, mục tiêu tấn của nhiều thế lực và cũng là một trong những quốc gia phát ra rất nhiều mã độc và thư độc hại.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay người dân chưa có nhận thức sâu sắc về an toàn-an ninh mạng.
Trung bình trên thế giới đầu tư 15-20% giá trị của dự án công nghệ thông tin cho an toàn thông tin, còn ở Việt Nam tỷ lệ này đang ở mức dưới 5%.
Nếu nói an toàn-an ninh là quan trọng, không thể không đầu tư cho đảm bảo an toàn-an ninh khi đầu tư một hệ thống công nghệ thông tin.
Ngày xưa, nói đến an toàn-an ninh, thường nghĩ đến những thứ rất cao siêu và là việc của Chính phủ, các cơ quan đặc biệt; nhưng hiện nay an toàn-an ninh thông tin là liên quan trực tiếp đến từng người dân.
Đầu tiên, không cẩn thận là mất thông tin cá nhân, mất tiền. Nếu không chú trọng đến an toàn-an ninh thông tin, thiệt hại đầu tiên là cho chính mình.
Ngoài ra, có những người đã nhận thức được rồi nhưng lại coi việc đảm bảo an toàn-an ninh thông tin là việc rất phức tạp, việc của chuyên gia, mình không thể làm.
Nhận thức này cần được thay đổi. Nếu mỗi người tự thay đổi thói quen của mình sẽ nâng lên rất đáng kể việc đảm bảo an toàn-an ninh thông tin-Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và các doanh nghiệp cùng chia sẻ, hợp tác, chung tay để hình thành một hệ thống có tính chỉ huy về chuyên môn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời là nơi quy tụ, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng trên tinh thần cùng tin tưởng, cùng cộng đồng trách nhiệm tất cả vì lợi ích chung. Với cách làm ấy, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ thông tin sẽ được thúc đẩy, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, để nước ta thực sự tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Hiệp Hội An toàn thông tin Việt Nam đã vinh danh 25 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin của 12 tổ chức, doanh nghiệp được bình chọn sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin chất lượng cao.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn triển khai các hoạt động bên lề như: Triển lãm giới thiệu giải pháp, công nghệ của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong và ngoài nước; Khu trình diễn công nghệ an toàn thông tin; Tọa đàm B2B Israel và Việt Nam…