Rà soát đấu giá đất: Quá hạn 10 ngày, mới có 7/63 địa phương báo cáo

(ĐTTCO)-
Tính đến sáng 10/3/2022 cả nước mới chỉ có 7/63 tỉnh, thành phố thực hiện rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Rà soát đấu giá đất: Quá hạn 10 ngày, mới có 7/63 địa phương báo cáo

Mặc dù đã quá thời gian các địa phương phải gửi báo cáo kết quả rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất về Bộ Tài nguyên và Môi trường để bộ này tổng hợp, báo cáo Chính phủ, thế nhưng tính đến sáng 10/3/2022, cả nước mới chỉ có 7 tỉnh, thành phố thực hiện việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất và “nộp” kết quả.

Trao đổi với về vấn đề trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thực hiện Công điện số 1767/CĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn báo cáo Thủ tướng về công tác đấu giá đất nói chung và vụ việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm nói riêng.

Trên cơ sở đó, ngày 20/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi…

Cùng với đó, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất (nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước) để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Cơ quan chức năng các địa phương tăng cường giám sát, thanh-kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cạnh tranh không bình đẳng trong các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; chủ động tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ diễn biến bất thường liên quan đến biến động giá đất trong thời gian tới tại địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương công bố công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập các đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp.

Trên cơ sở đó, các địa phương gửi báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày 28/2, để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, tính đến sáng 10/3, cả nước mới chỉ có 7/63 tỉnh, thành phố có báo cáo gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đáng chú ý là trong số các địa phương đã có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, lại không có tên các thành phố, đô thị lớn đã và đang xuất hiện nhiều trường hợp bỏ cọc đấu giá đất trong thời gian qua, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Theo ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai), số địa phương đã có báo cáo gửi bộ như trên là chưa nhiều. Hiện các địa phương đang tiếp tục gửi báo cáo và Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn đang tổng hợp.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ kết quả và giải pháp thế nào khi thời hạn các địa phương gửi báo cáo đã quá nhiều ngày, ông Bình cho rằng các địa phương gửi báo cáo thì bộ này mới báo cáo Thủ tướng được.

"Trường hợp các địa phương vẫn chậm, chúng tôi sẽ đôn đốc tiếp,” ông Bình nói.

Các tin khác