(ĐTTCO) - Vừa qua, một số doanh nghiệp đã phản ảnh về việc dù đã hoàn tất thủ tục vay vốn nhưng ngân hàng lại hoãn giải ngân với lý do hết hạn mức tín dụng. Phía ngân hàng thừa nhận do nhu cầu vay của khách hàng tăng đột xuất khiến hạn mức tín dụng chạm trần nên phải tạm ngưng giải ngân để điều tiết lại. NHNN chi nhánh TPHCM cũng đã xác nhận ngân hàng này đã hết room tín dụng, đang xin nới room để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đồng thời khẳng định hợp đồng tín dụng cam kết như thế nào phải giải ngân như vậy, không được từ chối trách nhiệm giải ngân như đã ký. Trong trường hợp này, ngân hàng có thể sử dụng nguồn thu hồi nợ hoặc xin nới hạn mức, NHNN căn cứ vào hoạt động của từng tổ chức tín dụng để quyết định có nới room hay không.
Tuy giải thích của ngân hàng đúng với thực tế, nhưng trong khi ngân hàng đang giải quyết vấn đề hạn mức doanh nghiệp phải chờ, điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết hoạt động dựa trên vốn vay ngân hàng. Hiện nay lại đang vào mùa cao điểm vay vốn để thanh toán và chi trả, phục vụ sản xuất mùa cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao và cấp thiết hơn các thời điểm khác. Do đó, việc bị tạm ngừng giải ngân dù đã được cấp hạn mức tín dụng trước đó đẩy các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thất hẹn thanh toán cho đối tác.
Trong các hợp đồng giao dịch đều có điều khoản rõ ràng về mức phạt nếu vi phạm chất lượng hàng hóa và/ hoặc nếu hết hạn thanh toán mà bên mua vẫn không trả tiền. Nếu quá hạn 15 ngày doanh nghiệp không thanh toán đủ tiền hàng cho bên bán, bên bán hàng có quyền giữ lại 10% tiền đặt cọc để bù đắp các chi phí phát sinh, thậm chí có quyền đơn phương bán lỗ hàng để thu hồi vốn. Do trước đó các ngân hàng đã cam kết hỗ trợ vốn, nên doanh nghiệp đồng ý ký hợp đồng mua bán bao gồm cam kết chịu phạt những khoản chậm thanh toán. Bây giờ, khi rơi vào tình huống như trên, doanh nghiệp phải tự xoay xở tìm vốn từ nguồn khác để thanh toán hoặc chịu mức phạt theo hợp đồng mua bán để chờ ngân hàng giải ngân. Còn về phía ngân hàng, sau khi ký hợp đồng tín dụng nhưng do hết hạn mức tín dụng không thể giải ngân được, lại chỉ có những giải thích suông và không phải chịu mức bồi thường nào cho những tổn thất của doanh nghiệp.
Về lý thuyết, khi tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng, ngân hàng và khách hàng có vị thế ngang nhau trong việc tham gia thỏa thuận. Nhưng do ngân hàng nắm giữ nguồn vốn nên việc áp đặt điều kiện, điều khoản cho vay đối với khách hàng không phải là chuyện hiếm. Bên cạnh đó, hợp đồng tín dụng do chính các ngân hàng soạn thảo với các điều khoản chặt chẽ nhằm bảo đảm cho quyền lợi ngân hàng khi người vay không trả nợ hay trả không đúng hạn. Còn quyền lợi của khách hàng thường không được chú trọng trong những điều khoản do chính ngân hàng soạn thảo, đẩy phần thiệt thòi về phía doanh nghiệp. Vì vậy, theo tôi mọi giao dịch hợp đồng tín dụng cần phải có những điều khoản ràng buộc rõ ràng trách nhiệm của cả 2 bên, trong đó có ngân hàng, nhất là đối với trường hợp không giải ngân được cho khách hàng. Không thể “cả vú lấp miệng em”, giải thích vì hạn mức tín dụng buộc doanh nghiệp phải chờ. Bởi các doanh nghiệp không thể biết được hạn mức ngân hàng còn hay hết, nếu đã ký hợp đồng cho vay tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm giải ngân cho bên đi vay như đã cam kết, hoặc phải chịu phạt để tạo ra sự công bằng cho 2 bên.
(TPHCM)