Ráo riết tìm cách 'gỡ' thị trường bất động sản

(ĐTTCO) - Sau Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều địa phương, bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt hơn để từng bước tháo gỡ những khó khăn của BĐS.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiểu đúng thông điệp của Thủ tướng

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng tại hội nghị Thủ tướng có nói “các anh làm các anh chịu”. Chúng ta phải hiểu đúng hơn về thông điệp của Thủ tướng, không nên hiểu phiến diện câu nói này, đừng nghĩ tiêu cực là Chính phủ bỏ rơi, không phải vậy. Bỏ rơi thì tổ chức họp làm gì? Bỏ rơi thì làm sao phải chỉ đạo hàng loạt vấn đề về tín dụng, tài khóa, cơ cấu lại nợ, giảm thuế, chấn chỉnh trái phiếu để hỗ trợ thị trường BĐS.

Theo TS. Lực, ý nghĩa thông điệp của Thủ tướng là doanh nghiệp (DN) phải thẳng thắn nhìn lại những gì mình làm được, chưa làm được để rút kinh nghiệm. Bởi trên thực tế nhiều DN đang làm quá năng lực của mình.

TS. Lực phân tích: “Có lẽ chưa bao giờ, cụm từ “hỗ trợ”, “giải cứu” thị trường BĐS được nói đến nhiều như hiện nay. Điều này cho thấy thị trường BĐS đang có nhiều yếu tố bất thường. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có bộ cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn, với sự đóng góp của nhiều chuyên gia. Cụ thể, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, trực tiếp gặp gỡ các DN, tập đoàn BĐS lớn để nghe các vấn đề; tham khảo thực tế từ các nước trên thế giới… Cái gì được, chưa được chúng tôi báo cáo để làm tốt hơn; đồng thời nghe tiếng nói đa chiều về thị trường BĐS".

Về cơ chế chính sách có 2 nhóm ngắn hạn và trung - dài hạn. Ngắn hạn là xử lý những vấn đề trước mắt, như năm nay thị trường BĐS nóng nhất là cái gì chính sách phải tập trung tháo gỡ. Thí dụ, vấn đề pháp lý cho các dự án cần mở các nút thắt thì hàng trăm dự án sẽ được giải tỏa, đưa vào triển khai, mua bán, tạo ra dòng tiền để tiếp tục đầu tư. Tháo gỡ pháp lý là tháo gỡ về niềm tin, vấn đề này Chính phủ rất quyết liệt.

Sau cuộc họp của Thủ tướng, các địa phương vào cuộc mạnh hơn, cụ thể TPHCM đã có ít nhất 5 cuộc họp về tháo gỡ cho các dự án đang có nhiều vướng mắc. Về vấn đề vốn, nóng nhất là trái phiếu BĐS, khi có tới 120.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn năm nay, và 110.000 tỷ đồng năm tới. Hiện Novaland đang rất tích cực, trao đổi, đàm phán với các đối tác để xử lý vấn đề trái phiếu đáo hạn.

"Về nhóm giải pháp trung và dài hạn liên quan đến tín dụng BĐS, tôi cho rằng trong năm nay về cơ bản không có vấn đề gì. Chúng ta kiến nghị Chính phủ cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ về vốn. Chúng tôi đề nghị cân đối lại chuẩn số rủi ro cho sát hơn so với tính chất rủi ro đối với từng phân khúc BĐS. Chúng ta thấy năm ngoái tín dụng tăng trưởng 14% và BĐS tăng trưởng 24%" - TS. Lực đề xuất.

TPHCM vào cuộc quyết liệt

Theo ghi nhận, những ngày gần đây hầu như tuần nào lãnh đạo UBND TPHCM cũng tổ chức họp với các sở ngành và chủ đầu tư có dự án vướng mắc để tháo gỡ khó khăn. Gần đây nhất, sau cuộc họp với 7 DN BĐS có dự án đang vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao các sở, ngành được phân công chủ trì thụ lý, giải quyết các nhóm dự án của các DN này; khẩn trương trao đổi với các chủ dự án để thống nhất hướng xử lý.

Ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, UBND TP ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý của các DN BĐS và sẽ tập trung xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định. Đối với các vướng mắc thuộc bộ, ngành, UBND TP sẽ khẩn trương đôn đốc, kiến nghị để đẩy nhanh tháo gỡ.

Đối với các tổng hợp, kiến nghị của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại 116 dự án BĐS trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các sở, ngành trao đổi, thống nhất với HoREA, báo cáo trình UBND TP để có ý kiến chỉ đạo, phân công các đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc trước ngày 5-3.

Các đơn vị sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các chỉ đạo của UBND TP liên quan đến các kiến nghị của HoREA. Trong đó, tập trung xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị. Đối với các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TP hoặc bộ, ngành trung ương, khẩn trương tham mưu UBND TP hướng giải quyết…

Liên quan đến hàng trăm dự án đang vướng tiền sử dụng đất, ngày 17-2, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng đã có công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị áp dụng hệ số K cho cả dự án trên và dưới 30 tỷ đồng.

Theo UBND TP, việc áp dụng hệ số K trong xác định giá đất làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, thuê đất có nhiều ưu điểm nổi bật. Áp dụng hệ số K cũng khuyến khích các đơn vị phát huy hiệu quả trong sử dụng đất với các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng được phê duyệt; tạo sự chủ động cho nhà đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, khuyến khích họ nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đồng thời có cơ chế điều tiết nguồn lực đất đai trên cơ sở điều kiện sinh lợi từ sử dụng đất.

Trước đó, trong báo cáo gửi UBND TP, Sở TN-MT cho biết, từ năm 2016 đến nay đơn vị đã tiếp nhận 794 hồ sơ thẩm định giá đất theo giá thị trường để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó có 282 hồ sơ đã trình TP hoặc đã được Hội đồng thẩm định giá đất TP thông qua.

Hiện nay, số lượng hồ sơ đang giải quyết 510, trong đó đang thực hiện 160 hồ sơ, hoàn trả cho tổ chức hoặc hủy bỏ 235 hồ sơ, 115 hồ sơ vướng mắc về áp dụng quy định pháp luật, đất nhà nước trực tiếp quản lý trong dự án, nguồn gốc đất công…

TPHCM đang ráo riết tháo gỡ 149 dự án bị ách tắc, trong đó hơn 100 dự án vướng mắc liên quan đến việc không đóng được tiền sử dụng đất.

Các tin khác