Cuối năm 2020, tại Hà Nội rộ lên câu chuyện về công trình nhà ở tại quận Ba Đình có diện tích hơn 300m2, được cấp phép xây dựng tới 4 tầng hầm. Thông tư 03 của Bộ Xây dựng "Quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng" chỉ rõ: "Nhà, kết cấu nhà đối với nhà ở riêng lẻ thuộc công trình cấp III, có độ sâu ngầm nhỏ hơn 6 m và số tầng ngầm: 1 tầng. Chỉ riêng những công trình cấp II thì mới được cấp phép từ 2 đến 4 tầng ngầm".
Thông tư cũng chỉ rõ công trình dân dụng cấp 2 là nhà ở có tổng diện tích đất từ 5.000 m2 trở lên. Việc nhà ở diện tích hơn 3000 m2 tại quận Ba Đình xây 4 tầng hầm là trái với quy định. Đây cũng chỉ là 1 trong những ví dụ về sai phạm trong cấp phép xây dựng công trình ngầm hiện nay đã và đang gây ra nhiều bất cập.
Theo ông Vũ Hoàng Chung, Quản lý Gói thầu ngầm và Ga ngầm, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đơn vị thi công tuyến hầm đường sắt từ Kim Mã đến ga Hà Nội, nhưng hiện đang vướng phải việc giải phóng mặt bằng ngầm của 7 tòa nhà vì cột móng quá sâu.
“Nếu có quy hoạch tổng thể không gian ngầm, có số liệu đầy đủ hạ tầng ngầm sẽ thuận lợi cho việc thi công các công trình ngầm” - ông Vũ Hoàng Chung nêu ý kiến.
Sự việc vừa nêu là hồi chuông cảnh báo về thiếu quy hoạch không gian ngầm đô thị, đã xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm” khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý xây dựng các công trình ngầm. Theo Sở Quy hoạch- Kiến trúc thành phố Hà Nội, hiện có trên 600 công trình xây dựng có không gian ngầm. Phần xây dựng ngầm của các dự án có từ 1 - 3 tầng hầm, chủ yếu phục vụ đỗ xe.
Hiện, một số công trình ngầm đã xây dựng được coi là quy mô ở Hà Nội là hầm chui trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nút giao thông Kim Liên, Nguyễn Trãi... bước đầu góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố trong đó có việc thông số kỹ thuật, cơ sở dữ liệu về công trình ngầm ở Hà Nội chưa đầy đủ nên quá trình thi công các công trình này thường kéo dài gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại và sinh hoạt của người dân.
Nhiều năm qua, dư luận đã lên tiếng về tình trạng một số hầm đường bộ ở Hà Nội bị bỏ hoang, trở thành nơi đựng phế thải, trong khi người dân vẫn đi bộ băng qua đường. Trên một số tuyến đường trục chính và vành đai của thành phố, đã có 14 hầm đường bộ được xây dựng nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao.
Tại các nước, hầm đường bộ thường được kết hợp làm các trung tâm thương mại nhỏ, các cửa hàng ăn uống, khu vui chơi giải trí thường xuyên nhộn nhịp và có sự kết nối với không gian ngầm giữa các tòa nhà, nhưng ở nước ta, hầm đường bộ chỉ là một lối đi đơn giản, không tận dụng được không gian ngầm với các hoạt động thương mại, văn hóa, hoàn toàn rời rạc, không kết nối được với các tòa lân cận.
Anh Trần Văn Hiển, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho rằng: “Làm hầm cho người đi bộ là cần thiết, nhưng nếu như ngay ban đầu dưới hầm dành cho người đi bộ thiết kế rộng hơn có thêm cửa hàng dịch vụ thì chắc người dân sẽ đi bộ qua hầm và kết hợp mua sắm. Tránh việc đường hầm bị bỏ không như hiện nay”.
Mỗi năm dân số Hà Nội tăng trung bình thêm khoảng 200.000 người. Hà Nội có khoảng 550.000 ôtô và khoảng 6 triệu xe máy, chưa kể hơn 1 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh lưu thông trên địa bàn. Trong khi tỷ lệ xây dựng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị, thì việc xây dựng hệ thống giao thông, bãi đỗ xe dưới lòng đất, đi kèm với những khu đô thị, dịch vụ thương mại dưới lòng đất sẽ góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, làm giảm áp lực về mật độ xây dựng của thủ đô. Tuy nhiên, tới thời điểm này, dự định này vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản, khoa học.
Hà Nội đã quy hoạch nhiều dự án bãi đỗ xe, hầm đỗ xe, hiện đã biến tướng thành các Trung tâm thương mại, như: Big C Long Biên, hay tổ hợp chung cư văn phòng Tân Hoàng Minh… càng làm tăng áp lực về nhu cầu đỗ xe ở Thủ đô.
“Hiện tìm được một chỗ đỗ xe ở trung tâm rất khó. Là một đô thị cần phải có những bãi đỗ xe ngầm hay trên cao để gửi xe” - anh Ngô Văn Kỳ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nói.
Do chưa quan tâm đúng mức đến công trình ngầm, công tác quản lý còn chồng chéo, nên đã xảy ra tình trạng các công trình ngầm ở Thủ đô liên tục bị cuốc lên, đào xuống gây lãng phí và mất mỹ quan thành phố. Mới đây, Hà Nội đã thí điểm hoàn thành hạ ngầm đường dây cáp điện, viễn thông 23 tuyến phố chính theo hình thức xã hội hóa. Tại những tuyến phố này, bộ mặt đô thị trên các tuyến phố được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng các công trình ngầm còn thiếu, chính sách đầu tư xã hội hóa chưa hấp dẫn nên các dự án tiếp theo không thu hút được các nhà đầu tư.
Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị đã có các quy định về công tác quản lý và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hà Nội cũng ban hành nhiều văn bản về quản lý xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tuy nhiên, do nội dung không thống nhất trong các văn bản nên khiến cho việc phát triển hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm chưa đạt được hiệu quả.
Qua kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội tại 34 khu đô thị chỉ có 12 khu có bố trí hầm kỹ thuật và thực hiện tốt việc hạ ngầm sử dụng chung, còn lại đều bố trí đi nổi. Một số khu đô thị có hầm kỹ thuật nhưng kích thước nhỏ, không đồng bộ, mỗi nơi một kiểu, chưa có thiết kế thống nhất.
Thành phố Hà Nội đang đứng trước áp lực lớn của phát triển đô thị. Một trong những giải pháp cấp bách, mang tính bền vững là phát triển không gian ngầm đô thị, hệ thống giao thông dưới lòng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc quy hoạch, phát triển không gian ngầm ở Hà Nội hiện mới ở mức loanh quanh “ăn xổi” trên mặt đất. Bao giờ Hà Nội có được quy hoạch thống nhất về không gian ngầm?