Rộng cửa đi Nhật, nhưng phải cẩn trọng

(ĐTTCO) - Những năm gần, đây thị trường Nhật Bản ngày càng thu hút nhiều lao động Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2019 này, Chính phủ Nhật Bản còn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút lao động nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Đó cũng là lý do các công ty xuất khẩu lao động Nhật mở ra rất nhiều. 

Loạn giá, đủ mức lương đi Nhật
Hiện nay nếu chỉ đánh cụm từ “xuất khẩu lao động đi Nhật” trên google hay trên mạng xã hội facebook, sẽ ra hàng loạt kết quả các trung tâm, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động đi Nhật trong các ngành nghề như thủy sản, thực phẩm, xây dựng, công nghiệp, cơ khí… với yêu cầu cơ bản đầu tiên là tốt nghiệp cấp 3, độ tuổi trung bình từ 18-35 tuổi. Về sức khỏe ban đầu không có hình xăm và không có các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B… Nhưng có lẽ cái nhiều người có nhu cầu xuất khẩu lao động quan tâm nhất là tổng chi phí hết bao nhiêu. 
Theo tư vấn viên của Công ty TNHH Esuhai (trụ sở tại Tân Bình, TPHCM), với chương trình xuất khẩu lao động 3 năm tổng chi phí là 90 triệu đồng. Sau khi đậu đơn, lương trung bình của người lao động 27-30 triệu đồng/tháng chưa tính làm thêm giờ. Esuhai còn có chương trình hỗ trợ vay vốn ngân hàng cho người lao động.
Cụ thể sẽ hỗ trợ một số giấy tờ chứng minh công việc, hợp đồng lao động theo yêu cầu của ngân hàng, còn việc vay được bao nhiêu không chắc chắn. Esuhai cũng không bao đậu việc cho người tham gia, nhưng khẳng định có rất nhiều đầu việc để người lao động ứng tuyển sau khi đã học tiếng Nhật và học kỹ năng chuyên môn. 
Hỏi thăm ở một công ty xuất khẩu lao động khác là Jvnet (trụ sở tại Hà Nội, chi nhánh quận Bình Thạnh, TPHCM), chúng tôi được tư vấn chi phí cho xuất khẩu lao động trong 3 năm là 105 triệu đồng chia làm nhiều lần đóng. Và người lao động sẽ có thu nhập từ 30-35 triệu đồng/tháng. Hầu hết chi phí mỗi công ty mỗi khác, dao động từ khoảng 90-200 triệu đồng/người.
Khi chúng tôi mang thắc mắc này hỏi một tư vấn viên thì nhận được câu trả lời là do chương trình đào tạo mỗi nơi mỗi khác, đơn hàng mỗi nơi cũng không giống nhau, rồi cũng phải xem kỹ các khoản đóng của mỗi nơi ra sao chứ không có mức sàn chung. Và đương nhiên, khi mỗi nơi mỗi giá như vậy người có nhu cầu xuất khẩu cũng hết sức đau đầu để chọn được nơi thực sự tin tưởng với mong muốn sau thời gian 3-5 năm có được một khoản tích lũy kha khá. 
Rộng cửa đi Nhật, nhưng phải cẩn trọng ảnh 1 Một lớp huấn luyện kỹ năng cho người lao động trước khi sang Nhật Bản. 
Tính đến hết tháng 2-2019, chị Nguyễn Thu Lan đã làm việc ở Nhật được 7 tháng. Chị Lan làm công nhân trong ngành thực phẩm, công việc không quá vất vả, nếu chịu khó tăng ca thu nhập cũng khoảng 50 triệu đồng; trừ chi phí ăn, ở, bảo hiểm có thể tiết kiệm được 35 triệu đồng/tháng gửi về gia đình. Theo chia sẻ của chị Lan, hầu hết lao động Việt Nam khi qua Nhật đều chấp nhận làm tăng ca nhiều để có thêm thu nhập tích lũy.
Nhưng không phải công ty nào cũng có mức lương cao như công ty chị đang làm. Có những nơi lương chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng, trừ chi phí ăn ở cũng không còn bao nhiêu. Trong khi đó tổng chi phí cho chuyến xuất khẩu lao động của chị Lan hơn 200 triệu đồng. Chị Lan cho biết “bí kíp” để có được công việc có thu nhập tốt chính là phải có người quen giới thiệu, từ đó đơn mới được gửi vào những công ty tốt. Công ty môi giới lúc nào cũng giới thiệu việc ngon, chỉ khi nhận được việc với công ty phía Nhật Bản mới biết thực hư thế nào.  

Thận trọng tránh bị lừa
Không phải ngẫu nhiên mà thị trường Nhật Bản trở nên hấp dẫn trong vài năm trở lại đây. Ngoài việc thu nhập ổn định, những lao động ở Nhật sau khi về nước thường có tay nghề tốt và có bằng tiếng Nhật. Điều này sẽ giúp họ có nhiều thuận lợi cho tương lai sau này. Đó cũng là lý do mà nhiều DN còn quảng cáo sẽ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi trở về nước theo chương trình thực tập sinh. Song hấp dẫn bao giờ cũng đi kèm với khả năng những kẻ lừa đảo lợi dụng để lừa người lao động. Thực tế, tháng 8 - 2018 vừa qua, nhiều người dân ở TPHCM và các tỉnh miền Tây đã đến trụ sở Công an phường 12, Gò Vấp, TPHCM trình báo việc bị một cá nhân lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn với mác đưa người lao động đi xuất khẩu Nhật Bản. Và đây cũng không phải trường hợp duy nhất. 
Theo tìm hiểu của ĐTTC, để tránh gặp phải những công ty ma, người lao động trước khi nộp hồ sơ, đóng tiền vào công ty nào nên vào website của Cục quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tại địa chỉ dolab.gov.vn, sau đó vào mục DN xuất khẩu chọn danh sách DN xuất khẩu lao động, để xem tên DN mình định nộp hồ sơ có trong danh sách được cấp phép hay không.
Ngoài ra, tuyệt đối không nghe những lời có cánh của các tư vấn viên. Để đi xuất khẩu lao động sang Nhật đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe, ngoài việc đảm bảo sức khỏe tốt, độ tuổi trong quy định, người lao động phải có quá trình học tiếng Nhật và kỹ năng chỉn chu. Vì cần phải vượt qua quá trình phỏng vấn của phía Nhật mới có thể chính thức đi Nhật lao động. Chính vì thế với những chỗ bao đỗ cần hết sức lưu tâm. 
Khi được giới thiệu công việc phải tìm hiểu thật kỹ nội dung việc sẽ làm, thời hạn làm việc, lương cơ bản, tình trạng tăng ca, thông tin nghiệp đoàn tuyển dụng và các điều kiện phúc lợi khác nếu có... Theo chia sẻ của một số lao động từng đi Nhật Bản, cẩn trọng là hết sức cần thiết, nhưng cũng có những trường hợp không phải công ty phía Việt Nam lừa đảo, có khi phía Nhật đột ngột hủy hợp đồng. Chính vì thế trước mỗi sự việc, thông tin người lao động cần hết sức cẩn trọng tìm hiểu kỹ lưỡng. 
Có thể thấy, nhu cầu xuất khẩu lao động để có một khoản vốn tích lũy với những lao động không có tay nghề đang ngày một lớn hơn, nó cũng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của nhiều thị trường. Song để thực sự tìm được địa chỉ tin cậy mỗi người phải tự trang bị cho mình kỹ năng tìm kiếm, sàng lọc thông tin để tránh tiền mất tật mang. 
 1. Theo dự luật, từ tháng 4 - 2019, hệ thống cấp thị thực cho người lao động (NLĐ) đến từ nước ngoài sẽ có hiệu lực. Được áp dụng cho 14 lĩnh vực, trong đó có ngành điều dưỡng, xây dựng và nông nghiệp. Đây là 3 ngành nghề đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực tại Nhật Bản. Theo hệ thống thị thực mới, NLĐ đến từ nước ngoài sẽ được tiếp nhận theo 2 loại thị thực:
+ Thị thực loại I: Quyền lợi được gia hạn tối đa 5 năm. Áp dụng cho 14 lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Không yêu cầu cao về kinh nghiệm và trình độ học vấn; thi đỗ bài kiểm tra kỹ thuật và tiếng Nhật.
+ Thị thực loại II: Áp dụng dự kiến giới hạn trong 2 lĩnh vực đóng tàu và xây dựng. Yêu cầu NLĐ phải có kỹ năng cao và thi đỗ bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao. Quyền lợi được gia hạn lâu dài sau 5 năm, số lần gia hạn thị thực không bị hạn chế, được phép đưa gia đình sang Nhật.
+ Với thị thực loại I, Chính phủ Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận khoảng 47.750 người trong năm 2019. Dự kiến sau 5 năm sẽ tiếp nhận tối đa 345.140 người, trong đó có khoảng 60.000 hộ lý và điều dưỡng viên.
2. Tăng thời gian chương trình thực tập sinh (TTS) kỹ năng Nhật Bản. Đây thực sự là tin vui đối với người lao động Việt Nam có nguyện vọng làm việc dài hạn tại Nhật. Bởi chương trình TTS kỹ năng Nhật Bản giới hạn thời gian làm việc là 3 năm. Sau khi kết thúc hợp đồng, nếu đáp ứng điều kiện, TTS sẽ được quay trở lại Nhật Bản làm việc thêm 2 năm nữa.
3. Sang năm 2019, nếu Luật mới được áp dụng, những lao động được cấp thị thực loại II sẽ có cơ hội được cấp vĩnh trú tại Nhật. Đặc biệt là được phép đưa gia đình từ Việt Nam sang Nhật sinh sống.

Các tin khác