PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quan điểm của ông thế nào khi các DN NLTT đã phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng huy động vốn thông qua kênh TPDN mà không vay ngân hàng thương mại (NHTM)?
LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Trong những năm gần đây rất nhiều NH đã tham gia cho vay các dự án NLTT, thúc đẩy tín dụng xanh. Tuy nhiên, do quy mô các dự án lớn, vòng đời dự án lên tới 15-20 năm, trong khi nguồn vốn trung, dài hạn của NH có hạn, nên việc “giảm tải” tín dụng, đẩy sang TPDN cũng là hợp lý.
TP NLTT cũng được đánh giá có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ chủ trương thúc đẩy phát triển NLTT trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của các dự án NLTT trong khi chính sách giá chưa rõ ràng đang ảnh hưởng đến khả năng sinh lời, khả năng trả nợ của chủ đầu tư, từ đó gây rủi ro đến dòng vốn tài trợ của NH và các NĐT.
Tôi cho rằng không chỉ có TP NLTT mà tất cả TPDN của các nhóm ngành hiện nay, khi không nắm đủ thông tin, NĐT đều có thể gặp phải những rủi ro.
Thực tế cho thấy, trong khi NH thẩm định rất kỹ các dự án NLTT, NĐT mua TPDN, nhất là NĐT cá nhân lại chủ yếu chỉ nhìn vào lãi suất nên mức độ gặp rủi ro sẽ lớn hơn.
- Việc huy động vốn qua TPDN với lãi suất sao, trong khi thời gian triển khai và khai thác dự án lại kéo dài, liệu có gây áp lực lên DN NLTT?
- Tôi cho rằng nếu TPDN của NLTT phát hành với thời hạn dài kỳ sẽ ổn, còn nếu là TPDN ngắn hạn DN sẽ gặp áp lực khi không tối ưu hóa được nguồn vốn huy động, thậm chí khi đang triển khai dự án đầu tư đã phải lo đến việc trả nợ cho NĐT, đây cũng là một rủi ro. Bởi các dự án đầu tư cho NLTT và khai thác dự án đều có thời gian kéo dài lên đến hàng chục năm.
Tuy nhiên, rủi ro này ở phía các NĐT cá nhân qua kênh TPDN, còn đối với các NHTM theo kênh tín dụng xanh, theo tôi không ảnh hưởng nhiều. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng được các DN NLTT huy động qua hệ thống NH được các NHTM tính toán, thẩm định rất kỹ lưỡng trước khi chấp thuận. Các NH cũng đưa ra nhiều kịch bản để đánh giá.
Thí dụ, ở kịch bản tốt nhất, nếu phát triển thuận lợi, tăng trưởng GDP tốt, chính sách ổn định, kịch bản sẽ đạt lợi nhuận là bao nhiêu, lãi bao nhiêu, còn kịch bản xấu sẽ như thế nào. Nghĩa là các NHTM sẽ điều chỉnh trong quá trình đầu tư. Đây thuộc về câu chuyện thị trường, trong đó NH đã tính đến sự rủi ro về chính sách.
So với nhóm TPDN của nhóm ngành giao thông có vẻ như TPDN NLTT sẽ ít rủi ro hơn. Tôi lấy đơn cử các dự án BOT, nhóm này chịu rất nhiều rủi ro từ chính sách thay đổi.
Cách đây vài năm, vào khảo sát BOT Cai Lậy (Tiền Giang), khi đó đang là “điểm nóng”, có lúc điểm thu BOT phải tạm ngừng hoặc cho xe đi qua miễn phí. Tôi cho rằng đây là sai lầm bởi nó gây ra thiệt hại rất lớn cho cả doanh thu của DN lẫn NH và cả ngân sách nhà nước.
- Theo ông, cơ chế giá bán điện hiện nay vẫn chưa thống nhất, đây có phải là rủi ro lớn nhất đối với nhóm TP NLTT khi lợi nhuận khó đảm bảo?
NĐT, nhất là NĐT cá nhân khi mua TPDN chủ yếu chỉ nhìn vào lãi suất nên mức độ gặp rủi ro sẽ lớn. |
Cơ chế giá FIT 2.100 đồng/kWh với điện mặt trời và gần 2.000 đồng/kWh với điện gió đã mang đến sự hứng khởi của khu vực tư nhân. Song, điều cần quan tâm nhất là DN đó đã ký được thỏa thuận về giá với EVN hay chưa, nếu chưa ký, sự đảm bảo của dòng tiền trả nợ rất khó.
Hiện nay, chính sách giá điện chưa rõ ràng khiến nhiều DN NLTT nản lòng và bỏ cuộc. Điều này cũng ảnh hưởng đến TPDN của nhóm ngành này.
- Ông có khuyến nghị gì dành cho NĐT cá nhân trước các rủi ro nói trên?
- Trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã có những chính sách cụ thể để bảo vệ NĐT, nhất là NĐT cá nhân. Thế nhưng rủi ro vẫn là điều NĐT cá nhân phải đối mặt. Bởi lẽ, TPDN không phải lãi suất tiết kiệm, người dân muốn an toàn gửi NH, muốn lãi cao mua TPDN, đương nhiên lãi suất cao rủi ro cao.
DN phát hành TP nói chung và DN NLTT nói riêng ở góc độ nào cũng là chuyên nghiệp, nhưng họ sẽ chỉ cung cấp thông tin chừng mực nào đó, không sai, không gian, song không phản ánh hết mức độ rủi ro họ gặp phải. Điều này cũng khiến NĐT cá nhân khó xác định TPDN được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành.
Thí dụ, khi tư vấn nhân viên NH nói bảo lãnh, nhưng NĐT lại hiểu đó là bảo lãnh thanh toán, trong khi NH chỉ bảo lãnh phát hành.
Thực tế, khi phát sinh nguy cơ DN phát hành mất khả năng thanh toán, đối phó không đơn giản. NĐT cá nhân vốn là đối tượng yếu thế nên phải tập hợp lại với nhau để thúc giục, đôn đốc, chất vấn nhà phát hành, hay ra tòa, đàm phán thương lượng.
Pháp lý cũng quy định đòi nợ không được thì kiện ra tòa, thi hành án, nhưng cuối cùng vẫn là NĐT có tiền để trả hay không.
Cuối cùng, câu chuyện vẫn là NĐT cá nhân nên cân nhắc và thận trọng khi mua TPDN, nhất là những TP phát hành với lãi suất cao mà thông tin về DN lại mù mờ.
- Xin cảm ơn ông.