Sắc Xuân trên các bản làng người La Hủ

(ĐTTCO) - Bản làng người La Hủ ở huyện biên giới Mường Tè, tỉnh biên giới Lai Châu đang chuyển mình, bừng sáng giữa đại ngàn. Trên những thửa ruộng, sườn đồi đất đai cằn cỗi xưa, nay đã phủ kín một màu xanh tít tắp của quế, của sa nhân, tô thắm thêm vẻ đẹp của bức tranh Xuân vùng cao. 

Đồi quế tại khu vực bản Hổi Han, xã Bum Tở, huyện biên giới Mường Tè những ngày cận Tết, hàng chục người dân cắt tỉa cành, lá quế trong không khí hết sức vui vẻ. Đây là lần thu hoạch đầu tiên của lứa cây đầu tiên được trồng từ dự án theo nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Bà con đang hỗ trợ nhau thu hoạch để có tiền chuẩn bị cho Tết năm nay thêm đủ đầy.

Những đồi quế xanh ngút mắt đang mang lại đổi thay trên bản làng người La Hủ.

Là người đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo năm 2022, anh Vàng Phì Hừ không dấu nổi niềm vui khi đồi quế của của gia đình thu hoạch lứa đầu tiên đã được hơn 40 triệu đồng. Ngoài quế, năm nay gia đình anh cũng có thêm nguồn thu nhập từ mô hình chăn nuôi trâu tập trung hơn 10 con và vụ lúa được mùa.

Anh Hừ chia sẻ, gia đình anh đã chuyển hơn 3ha vườn đồi trồng sắn, ngô trước kia sang trồng quế từ năm 2017. Nay diện tích quế của gia đình đã cho thu hoạch, có thu nhập rồi nên gia đình nhường phần hỗ trợ của Nhà nước cho hộ khó khăn hơn.

"Hiện nay, bản không khổ như ngày xưa nữa. Ngày xưa chỉ có ăn củ mài, củ nâu, nhưng bây giờ thì có nhiều thức ăn rồi, còn gạo thì nhà nào cũng có. Việc tổ chức ăn Tết của gia đình cũng như mọi năm, không có lợn to thì cũng phải có lợn nhỏ. Trong bản hộ nào có điều kiện thì mổ lợn, hộ nào kém điều kiện hơn thì ra chợ mua", anh Hừ nói.

Các bản làng người La Hủ hôm nay đã đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bản Hổi Han là nơi sinh sống của hơn 130 hộ đồng bào La Hủ, với hơn 500 nhân khẩu. Trước đây bà con trong bản sống rải rác theo nhóm hộ và cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Nay được chính quyền quy hoạch về sống tập trung, các chương trình, dự án được đầu tư đồng bộ, nên cuộc sống của bà con cũng đỡ vất vả hơn. Ngoài nguồn thu nhập từ rừng theo mùa và tiền hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nay bà con có thêm nguồn thu chính từ quế.

Chị Vàng Pó Xừ, trưởng bản Hổi Han, xã Bum Tở nói: "Mấy năm gần đây, bà con trồng cây quế rất vui và chịu khó làm. Bây giờ tỉa cành bán nên bà con cũng đỡ phải đi kiếm măng, không phải đi vất vả nhiều. Từ chỗ cây quế được tỉa để bán, Tết năm nay đời sống bà con sẽ cải thiện hơn, khang trang hơn. Có tiền để mua sắm hơn năm cũ như mua thịt lợn, hoa quả, rồi mua được đồ về trang trí nhà cửa nữa".

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đến nay người dân Bum Tở đã trồng được trên 600ha quế, gần 100ha sa nhân tím, trong đó có hơn 40% quế đã cho thu hoạch.

Nhờ cần cù chịu khó, đời sống người dân La Hủ đã có nhiều đổi thay, ấm no hơn so với trước.

Theo Chủ tịch UBND xã Bum Tở Vàng Hu Chờ, các cây trồng chuyển đổi hiện nay rất phù hợp, tinh dầu quế chiết xuất đã cho năng suất cao. Người dân dần đã thay đổi nhận thức trong nếp nghĩ, cách làm nên năm 2022 đã giảm được gần 7% hộ nghèo. Hiện chính quyền xã đang chỉ đạo người dân trồng thêm một số cây ngắn ngày để đảm bảo sinh kế trước mắt.

"Các chương trình được triển khai hiện nay rất phù hợp với địa bàn, vì vậy, đời sống của bà con đã thay đổi khá nhiều. Được nhiều nhất là nhận thức của người dân về phát triển kinh tế đã từng ngày thay đổi. Tết này, những hộ gia đình khó khăn, người già neo đơn, xã đã vận động các hộ gia đình trong bản khá giả hơn đóng góp phần nào đó để đi thăm hỏi, động viên, để các hộ đó có một cái Tết ấm áp hơn", ông Vàng Hu Chờ cho biết thêm.

Cuộc “cách mạng” xóa đói, giảm nghèo với nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân phát triển kinh tế đã được duy trì trong vùng đồng bào La Hủ từ hàng chục năm nay. Thế nhưng, các chính sách ấy chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi Đảng, Nhà nước ban hành đề án riêng về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào La Hủ. Nhiều công trình, dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Sắc xuân no ấm đang về trên bản làng vùng cao.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: Đề án đã có 5 xã vùng đồng bào La Hủ được thụ hưởng, với nhiều chính sách, tiểu đề án về phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu trong sản xuất nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, vùng đồng bào La Hủ đã được khoác lên mình tấm áo mới, cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

"Huyện sẽ tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tuyên truyền để người dân ý thức phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Huyện cũng đã đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội riêng giai đoạn sau cho vùng đồng bào dân tộc La Hủ. Khi đề án được phê duyệt, trên cơ sở nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện sẽ tập trung bố trí các nguồn lực xây dựng hạ tầng nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi và sắp xếp ổn định dân cư", ông Khánh nói.

Những con đường liên bản, liên xã rải nhựa rộng rãi, trường, lớp học được xây mới khang trang; điện lưới quốc gia thắp sáng cả bản mường… cho thấy, các bản làng người La Hủ hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới ấm no, hạnh phúc hơn, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Các tin khác