Dư luận thêm một phen choáng váng trước thông tin Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến kinh phí trên 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau năm 2015.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Khi xây dựng đề án, bộ dự trù kinh phí 34.275 tỷ đồng, bao gồm thực hiện công việc đổi mới chương trình, SGK, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và SGK, đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị ở những trường còn thiếu”.
Không giấu được băn khoăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo: “Các đồng chí toàn dùng khẩu hiệu... Các đồng chí mới nói được là chương trình, SGK phải đổi mới. Nói vậy thì đúng rồi. Nhưng vấn đề là đổi mới thế nào, phải thế nào để đáp ứng mục tiêu đó thì tôi không thấy rõ”.
Trước những câu hỏi bức xúc và hoài nghi của giới truyền thông, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng kinh phí chi trực tiếp cho việc biên soạn chương trình, SGK chỉ 5.000 tỷ đồng, ngoài ra còn chi 7-8 khoản khác. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là đề án này nhằm chuyển từ việc chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học. Nghĩa là việc đổi mới này nhắm đến mục tiêu thay đổi phương pháp dạy học, mà phải chi đến hàng chục ngàn tỷ đồng?
Chất lượng giáo dục nước ta đang đứng trước nhiều thử thách. Điều ấy ai cũng biết, nhưng nhiều hội thảo lớn nhỏ vẫn chưa tìm ra hướng đi hữu hiệu. Hơn 1 thập niên qua, rất nhiều kiến nghị lẫn lời phàn nàn về thực trạng khập khiễng của SGK. Tuy nhiên, vẫn không có tổng kết nào để thấy rõ bất cập ở đâu, cần thêm bớt gì. Cho nên vung tay quá trán không hẳn sẽ có được chương trình dạy và học như mong muốn của cộng đồng.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, biên soạn mỗi bộ SGK cho mỗi lớp học chỉ cần khoảng 3 tỷ đồng. Tính chi ly, để có bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ phải chi 36 tỷ đồng. Đó là cách biên soạn SGK hoàn toàn mới mà không hề kế thừa từ những sản phẩm cũ. Con số chi phí khổng lồ mà Bộ GD-ĐT đưa ra càng khiến bức tranh giáo dục trở nên rối ren hơn.
SGK bậc phổ thông luôn được xem như tài liệu giảng dạy có tính bền vững cao nhất. Ai dám chắc hàng ngàn tỷ đồng chi ra cho việc biên soạn theo đề án của Bộ GD-ĐT sẽ bảo đảm sự ổn định trong 5 năm hay 10 năm nữa? Thực tế, chương trình - SGK trước đây đã triển khai trong 8 năm nhưng chỉ dùng được khoảng 5-6 năm, thật quá lãng phí. Vì vậy, việc đổi mới này cần tính toán kỹ để không tiêu tốn ngân sách và làm nảy sinh nhiều hệ lụy khó lường.
Như GS. Hoàng Tụy phân tích: “Một số tiền lớn đến vậy chỉ để biên soạn chương trình, SGK mới và thực hiện nó, không chỉ khó chấp nhận trong điều kiện kinh tế nước ta còn quá khó khăn, mà ngay các nước giàu trên thế giới cũng không ai tiêu xài vô lý như vậy. Khi tiền lương của thầy cô giáo còn chưa đủ sống, cần hết sức cân nhắc mọi khoản tiêu pha hợp lý mới tranh thủ sự đồng thuận của xã hội”.