Thời gian gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc (TQ) và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, gần như đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử khi hai bên đối đầu toàn diện trên các mặt trận chính trị, kinh tế và an ninh - quốc phòng.
Hầu hết giới lãnh đạo phương Tây đều đánh giá TQ là một cường quốc nguy hiểm, đủ sức đe dọa trật tự quốc tế hiện tại qua hàng loạt bước đi mở rộng ảnh hưởng trên khắp các vùng lãnh thổ trên thế giới.
Dù vậy, trong bài viết mới đây cho tạp chí Inkstick Media, ThS Peter Charles thuộc tổ chức Hội đồng Nghiên cứu khoa học xã hội (Mỹ) cho rằng thực chất những chính sách, đường lối đối ngoại mà Bắc Kinh tự đưa ra mới là “tử huyệt” lớn nhất của TQ mặc cho nước này hung hăng như thế nào trên trường quốc tế.
Lợi thế trong quá khứ của Trung Quốc
Theo ông Charles, nếu thoạt nhìn các thành tựu và vị thế mà TQ đạt được chỉ sau 42 năm cải cách từ năm 1978, những đánh giá như của phương Tây không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, cần nhớ là điều kiện chính trị và kinh tế nửa cuối thế kỷ 20 khác xa hiện tại.
Về chính trị, chính quyền Mỹ sau khi bình thường hóa quan hệ với TQ vào năm 1972 tranh thủ liên minh với Bắc Kinh cùng chống Liên Xô, đồng thời liên tục viện trợ và tư vấn cho TQ trên các vấn đề phát triển kinh tế. Việc Liên Xô cuối cùng tan rã vào năm 1991 giúp TQ loại bớt một đối thủ cạnh tranh khỏi bản đồ thế giới, để lại khoảng trống quyền lực quá lớn ở khu vực Trung Á cho Bắc Kinh thừa cơ lấp vào. Trong khi đó, Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 lại bị cuốn vào chiến trường Trung Đông, TQ lại có thêm cơ hội phát triển yên ổn mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Về mặt kinh tế, TQ lúc này sở hữu một lực lượng lớn nhân công giá rẻ với trình độ tương đối cao, đủ để nước này bắt đầu bước chuyển mình thành công xưởng của thế giới. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển của trật tự đơn cực do Mỹ lãnh đạo cũng ủng hộ đẩy dây chuyền sản xuất về châu Á nói chung và TQ nói riêng. Những vấn đề như mâu thuẫn ý thức hệ, khác biệt về giá trị cơ bản và thế giới quan đều bị bỏ qua, nhường chỗ cho kỳ vọng về một kỷ nguyên hòa bình, ổn định, thịnh vượng mới.
“Tất cả những gì khó khăn nhất đều được gỡ bỏ và giải quyết giúp TQ. Nước này đã cưỡi lên cơn sóng của thời đại để gặt hái được thành công đáng kinh ngạc mà không phải tốn quá nhiều công sức” - ThS Peter Charles cho hay.
Một màn hình hiển thị bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 40 năm Trung Quốc mở cửa kinh tế thành công vào tháng 3-2019. Ảnh: REUTERS
Những bước đi thay đổi tình thế
Đến năm 2020, Bắc Kinh đánh giá việc hệ thống phương Tây đã kiệt quệ và suy yếu sau hàng loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay mới đây nhất là đợt bùng phát của đại dịch COVID-19 là cơ hội duy nhất để TQ trỗi dậy thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Bắt đầu đi từng bước từ quá trình quân sự hóa để kiểm soát khu vực chiến lược gần nước này nhất là Biển Đông, TQ nhanh chóng vươn ra, xâm nhập vào cả những khu vực trước đây là sân nhà của phương Tây như Mỹ Latinh, châu Âu thông qua những hợp đồng đầu tư có giá trị. Các thiết chế quốc tế từ lâu nằm dưới sự ảnh hưởng của Mỹ cũng bị TQ nhắm tới, như trường hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thời gian qua.
Ngày 22-7, chính quyền Mỹ bất ngờ ra lệnh cho TQ phải đóng cửa tổng lãnh sự quán đặt ở TP Houston, bang Texas với lý do bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của công dân Mỹ, đàiCNNđưa tin. |
Qua việc ban hành luật an ninh Hong Kong mới vào tháng 6, TQ muốn phát đi hình ảnh một cường quốc đầy tự tin, đủ khả năng đương đầu trực diện với các phản ứng của cộng đồng quốc tế.
TQ cũng không ngại đụng độ trực tiếp với Ấn Độ ở khu vực biên giới vùng Ladakh, ngầm cảnh báo rằng nước này không ngại giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp bạo lực.
“TQ nghĩ rằng họ có thể tiếp tục dựa vào các di sản của quá khứ để cứ thế mà duy trì đà phát triển như trước kia. TQ giờ hung hăng, không thể giảng hòa, đàm phán, sẵn sàng phá vỡ các cam kết để phục vụ lợi ích riêng. Sự thật là gió giờ đây đã đổi chiều ” - ThS Peter Charles nhận định.
Trước tiên, Mỹ giờ đã chính thức và sẵn sàng bước vào một cuộc đối đầu một mất một còn với TQ, xoay hẳn định hướng chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, hàng loạt quốc gia trong khu vực, sau nhiều năm nhẫn nhịn trước các hành vi vô lý của TQ, đã đồng loạt lên tiếng và tỏ ý phản đối Bắc Kinh rõ ràng và mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, TQ cũng đang mất dần các lợi thế như nguồn nhân công giá rẻ do tình trạng già hóa dân số, chất lượng các mặt hàng xuất khẩu cũng xuống cấp nghiêm trọng. Xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu hiện cũng đang đẩy nhanh quá trình rút dây chuyền sản xuất ra khỏi TQ với nhiều nước sẵn sàng trả tiền để khối doanh nghiệp làm việc này. Theo ông Charles, phần còn lại của thế giới đã nhận ra mình đã hy sinh quá nhiều cho TQ chỉ để đổi lại những lợi ích trong ngắn hạn.
Trước mắt, khi bị toàn thế giới dè chừng và theo dõi mọi hành động, cách phản ứng của TQ thay vì trở thành một cường quốc có trách nhiệm lại tiếp tục có những phát ngôn khiêu khích, hung hăng, đòi “ăn miếng trả miếng”. Một ví dụ điển hình là TQ tuần trước cảnh báo sẽ bắt Anh “trả giá” sau khi ra tuyên bố cấm Tập đoàn Huawei tham gia phát triển hệ thống 5G quốc gia.
Theo ThS Peter Charles, đó không phải là cách hành xử của một cường quốc mẫu mực và có trách nhiệm. Về lâu dài, TQ sẽ chỉ giúp Mỹ dễ dàng thuyết phục các đồng minh đang dao động cùng tham gia chống TQ. Các nước trên thế giới cũng sẽ càng đồng lòng hơn trong thể hiện quyết tâm định hình lại quan hệ với Bắc Kinh bằng cách bắt tay hợp tác với nhau, loại TQ ra khỏi cuộc chơi chung.
Ông Pompeo đề xuất lập liên minhchống Trung Quốc Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định TQ chính là đối thủ lớn nhất của Mỹ và là mối đe dọa nguy hiểm cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp hiện nay, theo hãng tinReuters. Do đó, quan chức này đề xuất cần nhanh chóng thành lập một liên minh để chặn đứng tầm ảnh hưởng của TQ và gây sức ép buộc giới lãnh đạo Bắc Kinh từ bỏ mọi động thái làm tổn hại hòa bình, ổn định chung. “TQ không thể cứ tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển mà nước này rõ ràng là không có cơ sở pháp lý. TQ không thể cứ bắt nạt, dọa dẫm các quốc gia xung quanh mãi. Những hành vi thao túng các thiết chế quốc tế như WHO cũng phải ngừng lại” - ông Pompeo khẳng định. Theo ngoại trưởngMỹ, mục đích quan trọng nhất của việc thành lập liên minh là kiến tạo một nền tảng để mọi quốc gia có thể tự mình đứng lên chống lại Bắc Kinh và “tự thân giành lấy những quyền lợi hợp pháp của họ”. Hiện chưa rõ nước nào sẽ gia nhập liên minh mà ông Pompeo đề xuất. |