Và để những khát vọng sáng tạo trở thành hiện thực, nhiều trường đã có chính sách đồng hành cùng sinh viên, giảng viên để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về quốc gia khởi nghiệp.
Nhiều ý tưởng được thương mại hóa
Sau khi đoạt giải của cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2020 do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Khu Công nghệ phần mềm (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức, nhiều dự án tiếp tục tiến thêm bước nữa để chinh phục các doanh nghiệp tại buổi gọi vốn để đầu tư thương mại hóa sản phẩm.
Korona Board Game là ý tưởng của 2 sinh viên Võ Đức Minh (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM) và Nguyễn Anh Kiệt (Trường ĐH Cần Thơ). Đây là trò chơi chiến thuật dựa trên cách phòng chống bệnh toàn cầu. Người chơi làm đủ 5 cách phòng bệnh khác nhau để sống sót, đồng thời, đề phòng các trường hợp dễ lây nhiễm, giật bài hay hoán đổi của người khác. Đặc biệt, trò chơi được nhóm tạo ra trong thời gian cách ly tại nhà do Covid-19.
Hiện tại, bộ game này đã được đưa ra thị trường và đem về doanh thu cho 2 tác giả. Tại buổi gọi vốn, dự án này đã được 3 nhà đầu tư đồng ý đầu tư 15.000USD phát triển và nâng cấp sản phẩm để hướng đến thị trường châu Âu và Mỹ. Ông Phạm Nam Phong, Giám đốc Vũ Phong Solar (1 trong 3 nhà đầu tư của dự án) đánh giá: Korona Board Game có nhiều triển vọng trên thị trường và nếu được đầu tư, nâng cấp sẽ có cơ hội lớn trên thị trường châu Âu và Mỹ.
Từng đoạt quán quân năm 2018, sau đó thất bại vì quá chạy theo doanh số, dự án LangF (sàn thương mại điện tử dành riêng cho sinh viên) của Nguyễn Danh Thành (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM) đã thuyết phục được ông Phạm Nam Phong đầu tư 300 triệu đồng để phát triển. Tại buổi trình bày ý tưởng để gọi vốn, dự án của Danh Thành đã có 2 triệu view và nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng quảng cáo. Danh Thành chia sẻ, sau bài học từ thất bại của dự án năm 2018, lần này với sự góp sức của doanh nghiệp, sẽ tập trung phát triển hướng đến cộng đồng nhiều hơn chú trọng vào doanh thu như trước đây. Có kinh nghiệm từ nhà đầu tư, Danh Thành hy vọng dự án sẽ thành công.
Cùng với 2 dự án trên, nhiều dự án tại buổi gọi vốn đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư để phát triển thương mại hóa như dự án GreenTown Vietnam của nhóm sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam, dự án Weshare.asia...
Ông Lê Nhật Quang, Phó Giám đốc ITP, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, chương trình gọi vốn đầu tiên này sẽ giúp các dự án có cơ hội tìm nguồn vốn, nguồn lực con người để tiếp tục phát triển, thương mại hóa dự án, trở thành hành trình để sinh viên trau dồi kỹ năng, hiện thực hóa ý tưởng của mình. Đây là bước đi rất quan trọng giúp ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên trở thành hiện thực, không như các cuộc thi trước đây. Đây cũng là một trong những minh chứng cho thấy tinh thần khởi nghiệp là một yếu tố không thể thiếu đối với chiến lược của ĐH Quốc gia TPHCM.
Cần sự hậu thuẫn từ nhà trường
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định: “Để khởi nghiệp thành công, sinh viên cần nhiều điều kiện, nhưng không thể thiếu sự định hướng, hỗ trợ và hậu thuẫn của nhà trường. Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, trường cũng cho ra đời các trung tâm hỗ trợ dự án khởi nghiệp như Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp, Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo. Hàng năm, nhà trường trích hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ để các chương trình khởi nghiệp của sinh viên được thực hiện tốt nhất”.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dành 10 tỷ đồng cho quỹ khởi nghiệp dành cho sinh viên trường, hỗ trợ sinh viên vay vốn 50-500 triệu đồng để thực hiện khởi nghiệp. Trường hợp đặc biệt, sinh viên có thể vay 200-500 triệu đồng nếu có bảo lãnh của gia đình và dự án đầu tư, thời gian vay không quá 36 tháng. Tuy nhiên, với những dự án lớn và hiệu quả đầu tư cao thì có thể gia hạn vay vốn thêm. Sự đầu tư đã mang về trái ngọt khi năm 2019, sinh viên của trường đã giành 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka với các đề tài lĩnh vực tài nguyên - môi trường, công nghệ thông tin và công nghệ hóa dược.
Mới đây, Trung ương Đoàn và Bộ GD-ĐT tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục và Đoàn thanh niên giai đoạn 2020-2025 và năm học 2020-2021. Theo nội dung ký kết, chương trình phối hợp sẽ tập trung 6 nội dung chính. Trong đó, 2 bên sẽ phối hợp thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân; chú trọng nề nếp, kỷ cương, bảo đảm an toàn trong nhà trường. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học thông qua phong trào, cuộc vận động của Đoàn thanh niên và ngành giáo dục; định hướng nghề nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh sinh viên.
Chương trình hành động quốc gia khởi nghiệp của Bộ GD-ĐT đã tạo hiệu ứng tốt khi nhiều trường ĐH tổ chức hội thảo, tập huấn khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên. Vườn ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM) đã tập huấn đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giảng viên của 11 trường ĐH tại TPHCM. Nhiều trường ĐH đã mời Sở KH-CN TPHCM, Công ty Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM, các chuyên gia… tham gia hội thảo, tư vấn khởi nghiệp. Ngoài ra còn có nhiều cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên tại hội thảo sinh viên khởi nghiệp.