Xung quanh vấn đề xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa-du lịch tương xứng với tầm vóc của TPHCM, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS.TS TẠ QUANG ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
PHÓNG VIÊN: - Thưa Thứ trưởng, như thế nào là sản phẩm văn hóa-du lịch đặc trưng?
Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG: - Hiện nay đã có rất nhiều sự kiện văn hóa lớn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương, như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Carnaval Hạ Long, Festival Huế, Festival Biển Nha Trang…
Đây đều là lễ hội định kỳ, quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu đông đảo từ cả người dân địa phương lẫn các du khách. Dù chỉ diễn ra trong khoảng một tuần lễ, nhưng các lễ hội kể trên còn có các sự kiện bổ trợ trước và sau khi lễ hội kết thúc, để đảm bảo trải nghiệm cho du khách cũng như mức độ lan tỏa cho lễ hội.
Các chương trình nghệ thuật được dàn dựng hoành tráng, kịch bản đặc sắc, thu hút khán giả như À ố show tại TPHCM, Xiếc Làng tôi ở Hà Nội, Tinh hoa Bắc bộ ở chùa Thầy (Hà Nội), Ký ức Hội An… cũng đã được biểu diễn định kỳ theo tuần, và mục đích nhiều du khách đến với địa phương là để được xem các chương trình này.
Dù không thể thu hút được nhiều khách như các lễ hội, nhưng các chương trình nghệ thuật lại có tính chất bổ trợ cho các sản phẩm du lịch, văn hóa khác, góp phần quảng bá rộng rãi các tiềm năng chưa biết đến của địa phương.
- Vậy để tìm được một sản phẩm hay sự kiện văn hóa có thể thúc đẩy ngành du lịch cả nước nói chung và TPHCM nói riêng cần lựa chọn dựa trên các yếu tố nào?
- Như tôi đã nhấn mạnh, trước tiên có đông đảo người dân, du khách tham gia. Thí dụ, Festival Biển Nha Trang được tổ chức 9 lần từ năm 2003 đến nay, có thể xem là một sản phẩm du lịch rất thành công, góp phần củng cố thế mạnh du lịch của tỉnh Khánh Hòa.
Trao đổi với tôi, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh cho biết sức sống và sự lan tỏa của Festival Biển Nha Trang là một sự kiện dành cho cả người dân địa phương và du khách cùng tham gia. Nhờ vậy, mỗi người dân địa phương vừa là du khách, vừa là khán giả, vừa là đại sứ du lịch, góp phần quảng bá thương hiệu của sự kiện cũng như thương hiệu của tỉnh nhà.
Kế tiếp là tính chất liên tục, định kỳ đủ để tạo ra được sự tương tác, gắn kết với du khách. Những chương trình biểu diễn nhạc kèn luôn được nhiều địa phương, ban ngành quan tâm, và nhiều người dân cũng như du khách khi thưởng thức cũng rất yêu thích.
Nhưng vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan, các hoạt động biểu diễn kèn đồng thường không có tính liên tục, như vậy cũng khó lòng tạo ra thói quen cũng như nhu cầu thưởng thức nhạc cụ này. Một cuộc thi hay liên hoan diễn ra trong vài ngày hay vài tuần, cũng khó lòng có thể tiếp cận được đông đảo khán thính giả, như vậy sẽ không có sự lan tỏa trong cộng đồng.
Để duy trì được sự liên tục cần có những đơn vị có đủ nhân lực, chuyên môn để dàn dựng được các chương trình có chất lượng cao, nhưng cũng gần gũi với đại chúng. Cách làm này vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo được chất lượng nghệ thuật, và có khả năng duy trì được sự liên tục trong thời gian dài trong vòng nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
- TPHCM là nơi tập trung nhiều cư dân đến từ khắp các vùng miền trên cả nước sinh sống, học tập, làm việc. Việc tìm ra sản phẩm văn hóa-du lịch vừa có tính cộng đồng, lại vừa phản ánh nét đặc trưng liệu có bất khả thi?
- Mỗi tỉnh thành có những nét văn hóa rất riêng, nhưng cũng lại có một số nét tương đồng với địa phương khác, đây là điều rất bình thường. Nhưng khi lựa chọn các sự kiện văn hóa cần tính toán đến sự khác biệt cũng như lợi thế cạnh tranh.
Thí dụ, Lễ hội nghinh Ông là một sự kiện văn hóa đặc sắc, nhưng hiện có rất nhiều tỉnh miền ven biển tổ chức. Như vậy áp lực dành cho các địa phương tổ chức lễ hội này rất lớn vì phải tìm cách tôn lên những sự khác biệt của địa phương mình.
Đặc trưng của sản phẩm du lịch không chỉ gắn với yếu tố truyền thống, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng, kinh tế, xã hội và vị thế của địa phương.
Chẳng hạn như TPHCM, nếu muốn có đông người tham gia sự kiện thì đường sá, phương tiện đi lại phải thuận lợi, bởi nếu không, dù có đặc sắc mức độ thu hút cũng có thể bị ảnh hưởng.
Ngoài lễ hội, âm nhạc thì các sản phẩm, dịch vụ về y tế, mua sắm, du lịch-hội thảo (MICE) đều có tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành khác nói chung. Sản phẩm văn hóa đơn thuần có thể bất biến, nhưng nếu gắn với du lịch hoặc trở thành sản phẩm du lịch sẽ phải được điều chỉnh một cách phù hợp, bước này giống với khâu phát triển sản phẩm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Thứ trưởng vừa nhắc đến yếu tố “thương hiệu” của TP du lịch, vậy làm thế nào để có thể xây dựng và phát huy thương hiệu cho ngành văn hóa và du lịch TPHCM?
Thương hiệu về du lịch TPHCM cũng cần phải được xây dựng giống như thương hiệu về các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, dịch vụ, bán lẻ… để người dân và du khách có được dấu ấn và sự tin tưởng |
Muốn vậy phải có sự phối hợp đồng bộ trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa và du lịch cho TPHCM trong đó có công tác truyền thông. Hiện nay TPHCM có rất nhiều sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức quanh năm bởi các doanh nghiệp, cá nhân và của TP và có rất nhiều ý nghĩa tích cực cho kinh tế, xã hội và đảm bảo được tính chuyên môn, nhưng lại chỉ mới tiếp cận được với một nhóm người dân hay du khách nào đó, đây là điều hơi đáng tiếc.
Nguyên nhân không nằm ở các đơn vị tổ chức không tiến hành truyền thông, quảng bá, nhưng do nguồn lực cũng chỉ giới hạn trong mỗi chương trình, nên khả năng giới thiệu đến với số đông cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Nếu các sự kiện văn hóa được sắp xếp có tính hệ thống, quảng bá tổng thể vừa tiết kiệm được chi phí, lại vừa có thể thu hút được đông người tham gia hơn. Nếu quảng bá tốt, người hoặc du khách thay vì phải chọn-bỏ giữa các sự kiện, sẽ có nhu cầu tham gia liên tục các sự kiện nối tiếp nhau.
Nhờ vậy, mỗi “điểm đến” sẽ có vai trò, vị thế riêng của mình dành cho du khách, thay vì phải cạnh tranh lẫn nhau dẫn đến lãng phí về mặt nguồn lực.
Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, xã hội hóa cao…”.
Nghĩa là nếu công tác quảng bá ngành văn hóa-du lịch được thực hiện tốt, sẽ thu hút được nhiều du khách, dòng vốn đầu tư cho lĩnh vực này sẽ gia tăng, đồng nghĩa với tỷ lệ xã hội hóa sẽ được nâng cao.
Sự đồng bộ không chỉ diễn ra giữa ngành văn hóa hay du lịch mà phải mở rộng. Đơn cử như Khu di tích địa đạo Củ Chi là một trong những địa điểm du lịch nổi bật của TPHCM khi thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước. Không chỉ đơn thuần tham quan, du khách đến đây còn tiếp nhận rất tự nhiên, dễ dàng các bài học về lịch sử của cha ông, và tôi nghĩ rằng nhiều trường học có thể triển khai các tour vừa tham quan vừa học thực tế cho học sinh, sinh viên.
Nếu muốn phát triển nhóm du khách này, ngành du lịch sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với ngành giáo dục. Sự phối hợp đồng bộ trong công tác truyền thông sẽ tạo ra một “hệ sinh thái” sản phẩm du lịch để du khách có thể dễ dàng lựa chọn.
Mỗi sản phẩm du lịch, hay mỗi điểm đến cần được tuyên truyền về vai trò cũng như cảm thấy tự hào khi mình là một phần trong hệ sinh thái sản phẩm du lịch của TPHCM.
- Hiện nay làm thế nào để có thể quảng bá văn hóa-du lịch có hiệu quả thưa Thứ trưởng?
- Sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội là một lợi thế để quảng bá du lịch một cách nhanh chóng và trực quan nhưng cũng cần có định hướng, giải pháp căn cơ và phù hợp. Như tôi đã nói ở trên, cần tránh việc quảng bá theo kiểu “phân mảng”, dẫn đến việc cạnh tranh không đáng có theo kiểu chọn-bỏ mà phải có sự phối hợp đồng bộ.
Thương hiệu về du lịch TPHCM cũng cần phải được xây dựng giống như thương hiệu về các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, dịch vụ, bán lẻ… để người dân và du khách có được dấu ấn và sự tin tưởng.
Cần chú ý đến một khảo sát gần đây của Tổng cục Du lịch về tác động của các kênh thông tin đến hành vi tiêu dùng, khách du lịch thường sử dụng 5-6 kênh thông tin để chọn sản phẩm, nhà cung cấp, gồm thông tin truyền miệng (79%), website (71%), ý kiến chuyên gia trên internet (63%), mạng xã hội (63%), 31% khách hàng tin vào những người quen biết, 28% các ý kiến tích cực trên mạng xã hội tác động đến quyết định tiêu dùng.
Khi khách hàng được trải nghiệm một sản phẩm, dịch vụ tốt, ngoài việc bản thân hài lòng cũng sẽ có nhu cầu chia sẻ lại cho người thân bạn bè của mình. Nếu 8,5 triệu du khách đến TPHCM đều hài lòng thì chúng ta có 8,5 triệu kênh quảng bá miễn phí. Như vậy, để phát triển việc quảng bá truyền miệng, yếu tố chất lượng, trải nghiệm dành cho du khách cần phải được nhấn mạnh, mà muốn được như vậy ngành du lịch phải hướng đến sự tỉ mỉ, thái độ phục vụ.
Tôi cho rằng, rất nhiều sản phẩm văn hóa-du lịch đã tốt phần lõi, và chỉ cần điều chỉnh về thái độ phục vụ, cách thức tiếp cận du khách là có thể tạo ra hiệu ứng sâu rộng đối với các du khách.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.