Sẵn sàng nguồn hàng hóa phục vụ Tết Quý Mão 2023

(ĐTTCO)- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đã được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.
Năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán. Không chỉ giả giá 30%, 50%, các mức khuyến mại không giới hạn mà tuỳ thuộc vào chiến lược và điều kiện của doanh nghiệp.
Năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán. Không chỉ giả giá 30%, 50%, các mức khuyến mại không giới hạn mà tuỳ thuộc vào chiến lược và điều kiện của doanh nghiệp.

Dự báo dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 10-15%, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã đẩy mạnh sản xuất, mua bán, dự trữ hàng hóa để sẵn sàng phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là các loại thực phẩm, đồ uống.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất có kế hoạch tăng hàng đảm bảo nhu cầu dịp lễ, Tết mà các hệ thống phân phối lớn cũng đã chuẩn bị nguồn hàng chủ lực tăng từ 20 - 30% so với Tết năm 2022.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho rằng, mặc dù giá cả thị trường biến động do ảnh hưởng của thế giới nhưng nhìn chung, sức mua đã phục hồi và tăng trưởng liên tục trong suối thời gian vừa qua. Doanh nghiệp này cũng dự báo từ nay tới Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sức mua sẽ tiếp tục xu hướng tích cực.

Theo bà Dương: "Với các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết, chúng tôi đã tăng từ 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái, thống nhất với các nhà sản xuất các chương trình khuyến mại, kích cầu bán hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, các mặt hàng khác như là rau quả, trái cây phục vụ Tết đã thống nhất với nhà cung cấp, đảm bảo bình ổn giá từ nay đến Tết Nguyên đán".

Trong khi đó, từ ngày 31/12/2022, đồng loạt gần 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… triển khai giảm giá từ 10 - 50% cho 12.000 sản phẩm Tết. Đáng chú ý, tất cả hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đều đã hoàn tất kế hoạch tăng tỷ lệ lượng hàng dự trữ lên 30 - 50%, tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu.

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực Miền Bắc, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: "Từ giữa năm, Saigon Co.op đã có kế hoạch chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2023 với việc chuẩn bị hàng hóa với số lượng lớn. Chúng tôi có với một kho bãi ở 3 điểm, một là Bình Dương, hai là Hậu Giang và ba là trung tâm phân phối miền Bắc đảm bảo được nguồn cung dự trữ, làm sao cung cấp hàng hóa đủ cho người tiêu dùng. Thứ hai nữa là bình ổn giá, bình ổn giá, chúng tôi làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp lớn mà Saigon Co.op đã làm việc, làm sao chia sẻ với người tiêu dùng về chi tiêu trong dịp Tết".

Với nhiều phương án và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị cung ứng, nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết năm nay sẽ cơ bản được cung ứng đầy đủ với giá cả bình ổn. Tại Hà Nội, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã liên kết với các địa phương khác từ sớm để điều phối nông sản và thực phẩm tại các hệ thống siêu thị và chợ dân sinh.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, các doanh nghiệp đều có cam kết ổn định giá trước, trong và sau tết, không tăng giá đột biến. TP. Hà Nội sẽ liên tục có các đoàn kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá cả tại các chợ dân sinh và các hệ thống phân phối.

"Thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm, Ban chỉ đạo 389 của thành phố đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo tất cả các lực lượng chức năng trên địa bàn cũng như là UBND các quận, huyện, thị xã phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn.

Các Sở, ngành theo chức năng quản lý nhà nước của mình thành lập các đoàn kiểm tra, làm sao để tất cả mũi nhọn kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh để đảm bảo được chất lượng hàng hóa đưa ra cung ứng cho thị trường Hà Nội cũng như các hàng hóa của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội hay hàng hóa nhập khẩu đều phải qua khâu kiểm soát" - bà Phương Lan cho biết.

Tương tự, với TP.HCM, đại diện Sở Công Thương thông tin, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn khoảng 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết, trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến…

Bên cạnh việc đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, các địa phương cũng triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng. Năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán. Không chỉ giả giá 30%, 50%, các mức khuyến mại không giới hạn mà tuỳ thuộc vào chiến lược và điều kiện của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Công tác chuẩn bị hàng hóa chúng ta phải quan tâm đến nguồn cung và quan trọng hơn nữa đó là chất lượng của hàng hóa. Như mọi năm, trước Tết chúng ta vẫn có những đoàn kiểm tra những hoạt động để đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Tết cũng như thời gian sau Tết. Năm nay, chắc chắn là lượng hàng sẽ đảm bảo, đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng".

Năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng khôi phục mạnh mẽ khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021. Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Các tin khác