Sản xuất và nhân lực - 2 yếu tố quyết định ''tiềm lực'' quốc gia

(ĐTTCO)-Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) được Việt Nam xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia.
Sản xuất và nhân lực - 2 yếu tố quyết định ''tiềm lực'' quốc gia

Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 là sự "hợp nhất" các loại công nghệ và xóa đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học... với nền tảng là đột phá của công nghệ số, đáp ứng sự đòi hỏi của xã hội và nền kinh tế tri thức.

Khẳng định "tiềm lực" quốc gia

Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa hệ thống thực với hệ thống ảo, kết nối thông qua các thiết bị di động thông minh, dựa trên công nghệ số, xử lý dữ liệu lớn, kết nối không dây... từng bước hình thành nền sản xuất thông minh, năng suất vượt trội, công nghệ và sản phẩm thay đổi theo tốc độ chóng mặt, tạo nên cuộc "cách mạng" về các chuỗi sản xuất-giá trị sản phẩm toàn cầu có hàm lượng tri thức cao (sản phẩm thông minh).

Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối giữa con người với con người, con người với thiết bị, thiết bị với thiết bị, các doanh nghiệp và khách hàng...

Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh sản xuất và nhân lực được đánh giá là hai yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ kỹ thuật số, mạng Internet và trí thông minh nhân tạo đang xuất hiện hầu hết mọi nơi trên thế giới và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam và đang làm thay đổi cả nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 cũng tạo ra thất nghiệp khiến nhiều người mất việc khi nền công nghiệp dệt may và các ngành thủ công truyền thống đang bị thay thế dần với sự xuất hiện của robot, của trí tuệ nhân tạo... Việc ứng dụng công nghệ cao và máy móc thông minh sẽ tạo cơ hội cho con người làm việc và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn bằng cách tận dụng những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Phát triển công nghệ 4.0 có thể rút ngắn và gia tăng khoảng cách, chênh lệch về tiềm lực các quốc gia khác nhau và có khả năng biến đổi các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị cho doanh nghiệp trong nước tốt hơn.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường... mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh,” “nhà máy số” mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng.

Internet hỗ trợ chia sẻ thông tin về lượng hàng hiện tại, lượng nguyên vật liệu và những thay đổi trong đơn hàng hay sự cố hoặc lỗi, nhờ vậy, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí vật liệu. 

Xây dựng chiến lược, phát triển thế mạnh

Để Việt Nam tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Việt Nam phải tiếp nhận công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh... Bên cạnh đó, lựa chọn những lĩnh vực cụ thể, sản phẩm thế mạnh để phát triển những sản phẩm công nghệ dựa trên thế mạnh của Việt Nam.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự bùng phát của hệ thống sản xuất tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối hay còn gọi là hệ thống tích hợp số-vật lý, cùng với những đột phá khoa học vào thế giới vi mô, hình thành các công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật... đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của mỗi quốc gia.

Sự chuyển động mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với bốn nhóm công nghệ: công nghệ thông tin, vật lý, sinh học và năng lượng tái tạo, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ mức độ sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng các doanh nghiệp trong nước ở mức trung bình đối với nhóm công nghệ thông tin và mức độ sẵn sàng thấp trong các nhóm công nghệ còn lại.

Với thực trạng phát triển khoa học và công nghệ hiện nay của Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm giảm trên 80% số việc làm của ngành dệt may, còn Diễn đàn Kinh tế dự báo sẽ làm giảm 47% số việc làm trong ngành...

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-Ttg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chủ động nắm bắt cơ hội, đưa các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Để vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải có sự phát triển dựa trên tích lũy nền tảng, nghiên cứu cơ bản định hướng mang tính đột phá, hướng đến ứng dụng... Nghiên cứu và phát triển trở thành "chìa khóa" quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội, cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học và sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các tin khác