Sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra.
Một tuần sau bão số 3, hầu hết các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã hoạt động trở lại, nhưng hàng chục nghìn doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang oằn mình khắc phục những hậu quả của đợt bão lũ này. Sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương đối với họ lúc này là rất cần thiết, nhất là hỗ trợ về tài chính theo tinh thần của Công điện số 92, ngày 10/9 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu ý kiến: "Vấn đề thứ nhất là cần cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động từ 3-6 tháng, để ổn định tình hình. Đây là việc cần làm ngay.
Thứ hai là phải giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi trận bão số 3 này. Thứ ba là phải giảm, thậm chí là miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng để họ có điều kiện phục hồi và tích lũy. Đặc biệt, cần kiểm soát không để các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có xu hướng tăng trong thời điểm hiện nay tăng mạnh, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống nhân dân".
Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản gửi các tổ chức tín dụng và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương đẩy nhanh thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả bão số 3, đã có những Ngân hàng đầu tiên như: Vietcombank, MSB và VPBank thông báo giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi.
Về thời gian vay, khách hàng được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng với các hình thức vay đa dạng. Theo phân tích của các chuyên gia, lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi đợt bão lũ này rất lớn, nên sự hỗ trợ cần được ưu tiên cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh nhất.
Sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương đối với doanh nghiệp lúc này là rất cần thiết
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Những doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng trong lĩnh vực nông nghiệp nên được ưu tiên. Những doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng thì khả năng hoạt động trở lại và khả năng trả nợ sẽ tốt. Doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng sẽ đảm bảo độ tin cậy và đáp ứng được yêu cầu vay tín chấp. Đặc biệt, là những doanh nghiệp có tác động lan tỏa. Ta cho vay doanh nghiệp này, họ có hợp đồng, họ phát triển được thì sự tác động sẽ kéo dài ra và rất tích cực".
Thực tế cho thấy, sau thiên tai, khó khăn của doanh nghiệp là rất nhiều. Mỗi doanh nghiệp lại có những khó khăn khác nhau. Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ về tài chính như giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ, thì cần có thêm những chính sách khác về thị trường, vận tải, lao động… để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Cần giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà trong những trường hợp cấp bách như việc chứng minh thiệt hại, việc xác nhận hồ sơ của nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau. Với những doanh nghiệp ở từng lĩnh vực cụ thể, cần có sự hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.