Khủng hoảng Syria:

Sau không kích sẽ là những gì?

(ĐTTCO) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20-4 tuyên bố các cuộc tấn công quân sự của Hoa Kỳ nhằm vào Syria hồi tuần trước đã khiến Nga không còn nghĩa vụ đạo đức nào phải từ chối cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho đồng minh là chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 
Hoa Kỳ tăng tốc phát triển vũ khí siêu thanh
Trước đó, ông Lavrov nhấn mạnh, nước này sẽ sớm công bố bằng chứng về việc các lực lượng phòng không Syria bắn hạ hơn một nửa số tên lửa được phóng trong các cuộc không kích của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu tiến hành. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng Syria đã sử dụng các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô, phóng 112 tên lửa đất đối không để đẩy lùi cuộc không kích của Hoa Kỳ, phá hủy 71 trong số 103 tên lửa trong cuộc tấn công của liên minh phương Tây hồi tuần trước. Trả lời phỏng vấn kênh RT, ông Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước các số liệu thống kê mà quân đội chúng tôi cung cấp”. Ngoại trưởng Nga cũng đề nghị Hoa Kỳ và các đồng minh chứng minh rằng tất cả tên lửa của họ đều đánh trúng mục tiêu. Theo một nghĩa nào đó, đây là chiến thắng của Nga vì giờ đây, Moscow có thể nối lại vấn đề cung cấp S-300 cho Syria, vốn bị gián đoạn do lo ngại của một số đồng minh (Israel). 
Tuy nhiên, phía Lầu Năm Góc vẫn tuyên bố, các tên lửa “đã đánh trúng thành công mọi mục tiêu”, bắn tổng cộng 85 tên lửa từ tàu và máy bay. Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và các tàu tuần dương Ticonderoga thuộc Hải quân Hoa Kỳ mang tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn lên đến 2.500km. Tên lửa hành trình Tomahawk với đầu đạn nặng 450kg, được thiết kế bay rất thấp và có thể di chuyển lắt léo tránh các tuyến tên lửa phòng thủ bằng hệ thống dẫn đường lắp đặt trên thân tên lửa. Mục tiêu của nó cũng có thể được thay đổi qua giao tiếp với bộ điều khiển. Máy bay B-1B Lancer cất cánh từ Căn cứ không quân Al Udeid, Qatar, để tiến hành các hoạt động không kích Syria. Hoa Kỳ sau đợt không kích đã có thêm các đơn đặt hàng mới đối với tên lửa Tomahawk. Tuy nhiên, theo RI, đồng tác giả cuốn sách Ngày 11-9: Sự thật cuối cùng Joe Quinn đã phân tích sức tàn phá của tên lửa Tomahawk và những mục tiêu tại Syria mà Hoa Kỳ thông báo đã triệt hạ thành công. Ông kết luận hoặc Hoa Kỳ đã không thông báo toàn bộ sự thật về năng lực thật của tên lửa Tomahawk, hoặc số lượng mục tiêu tại Syria nhiều hơn 3 địa điểm, RI cho biết.
Chưa biết thực hư ra sao, chỉ biết vài ngày sau vụ không kích, Lầu Năm Góc cho biết không quân Hoa Kỳ chuẩn bị ký hợp đồng trị giá gần 1 tỷ USD với Tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ Hoa Kỳ Lockheed Martin để thiết kế và phát triển loại tên lửa siêu thanh có thể phóng trực tiếp từ một máy bay chiến đấu. Hợp đồng bao gồm tất cả các điều khoản liên quan tới thiết kế, phát triển, lắp ráp, thử nghiệm và những kế hoạch hậu cần cũng như tích hợp các công cụ hỗ trợ trên máy bay để có thể phục vụ cho việc phóng tên lửa từ một máy bay chiến đấu. 
Hợp đồng được ký kết trong bối cảnh các quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ đều lên tiếng cảnh báo về những bước tiến vượt bậc của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, cho phép tên lửa bay với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ âm thanh và tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa. Các vũ khí siêu thanh được cho là có thể dễ dàng “qua mặt” các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường vì có thiết kế ưu việt giúp đổi hướng bay và không theo một hình vòng cung có thể dự đoán trước như những tên lửa thông thường. Hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đã phát triển một loại tên lửa siêu thanh mới có thể vượt qua bất kỳ lá chắn tên lửa nào của phương Tây. Nga cũng chế tạo loại đầu đạn có khả năng bay lượn và siêu thanh, mang tên Avangard (Tiên phong), có thể đạt tới tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh. 
Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ Gary Pennett khẳng định việc phát triển thành công các loại vũ khí siêu thanh có thể phóng từ các máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm sẽ giúp lấp một khoảng trống đáng kể trong khả năng phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ. MDA cũng từng yêu cầu hỗ trợ 120 triệu USD để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh, cao hơn nhiều so với mức 75 triệu USD trong tài khóa 2018. 
Sau không kích sẽ là những gì? ảnh 1 Máy bay chiến đấu Rafale. 
Thắc mắc quanh sự cố của Pháp
Theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, trong chiến dịch không kích đêm 13 rạng sáng 14-4, quân đội Pháp đã bắn 12 tên lửa hành trình: 3 từ tàu khu trục triển khai ở Đông Địa Trung Hải và 9 từ chiến đấu cơ Rafale. Mục đích quân sự đã đạt được. Chúng tôi không có thông tin gì khác liên quan tới kế hoạch triển khai chiến dịch hay hệ thống vũ khí. 
3 tàu khu trục bà Parly nhắc đến là tàu khu trục đa nhiệm vụ (FREMM) Aquitaine, Auvergne và Languedoc được đóng bởi Tập đoàn Hải quân, ở Lorient. Ngày 20-4, nhiều tờ báo, tạp chí đưa tin cuộc tấn công từ phía Pháp đã không diễn ra như kế hoạch. 2 trong số 3 loạt bắn tên lửa hành trình MdCN của MBDA từ Aquitaine và Auvergne theo thời gian đã định đã không thành công. Một nguồn thông tin hải quân xác nhận với tờ L’Opinion rằng “nguy hiểm kỹ thuật đã xảy ra”. Hải quân và các nơi liên quan (Tập đoàn Hải quân và MBDA) đến giờ vẫn chưa đưa ra lời giải thích. Tàu Languedoc rốt cuộc cũng bắn được 3 tên lửa MdCN vào lỗ châu mai trong khoảng thời gian quy định. Khi nhóm tàu sẵn sàng cho loạt bắn mới thì ko kịp thời gian nữa. “Chúng tôi đã bỏ lỡ lỗ châu mai. Thời gian bắn được tính toán theo vị trí tàu đậu”. Theo RTL, sự cố trên có thể gây nhiều tốn kém vì giá của các tên lửa hành trình phạm vi 1.000km, chính xác đến từng mét, là 2,8 triệu EUR/quả. 
Không chỉ có vậy, một chiến đấu cơ Rafale cũng đã gặp vấn đề khi kích hoạt phóng tên lửa Scalp, dù đây là loại vũ khí đã từng được sử dụng ở Libya, Syria hay Iraq. Đây là sự cố chưa từng có. Nhà báo Jean-Marc Tanguy của tạp chí Raid Aviation cho rằng không thể coi nhẹ những gì đã xảy ra vì nó khiến mọi người sửng sốt. Cho đến giờ, giới chức liên quan vẫn tránh không đề cập tới chuyện này.
Thử thách cho phương Tây
Trả lời câu hỏi “với những gì đã xảy ra, liệu có thể xem cuộc khủng hoảng này như là một hình thức thử thách đối với phương Tây hay không” của trang mạng Atlantico, chuyên gia nghiên cứu Viện địa chính trị của Pháp Jean-Sylvestre Mongrenier cho rằng trong bối cảnh hiện nay, một cuộc chiến tranh lạnh mới, ở đó Syria là một trong các chiến trường, thực sự là một thử thách. Từ đầu cuộc chiến ở Syria, các cường quốc phương Tây đã rút lui. Với mong muốn hỗ trợ, chứ không phải định hướng hay trấn áp phong trào Mùa Xuân Arab, các cường quốc phương Tây ưu tiên chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo, bằng việc tập trung vào các vấn đề chính trị và ngoại giao (chuyển giao chính trị và tương lai của nước Syria mới). Điều quan trọng là không được lặp lại những sai lầm đã xảy ra ở Iraq. Hơn nữa, cần phải xác định một định hướng, thiết lập các mục tiêu, quyết định và cuối cùng là hành động.
Còn chuyên gia nghiên cứu Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp Thierry Coville nhận định hợp tác hành động với Hoa Kỳ trong bối cảnh này là một thông điệp không tốt lành của Pháp đối với khu vực. Chính sách của Hoa Kỳ kể từ khi ông D.Trump đắc cử tổng thống đã làm gia tăng căng thẳng trong tất cả các cuộc xung đột hiện tại (giữa Israel và Palestine, giữa Iran và Saudi Arabia) do áp dụng chính sách can thiệp vào một trong hai phe một cách cực đoan. Cuộc tấn công quân sự chung của Pháp, Hoa Kỳ và Anh ở Syria có thể làm mất đi tính chính đáng trong lập trường của Pháp kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron lên nắm quyền, đó là mong muốn hiện diện như một nước có lập trường độc lập, đối thoại với toàn thể thế giới và do vậy có khả năng làm giảm bớt những căng thẳng. Sẽ hợp lý hơn nếu thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để một cuộc điều tra về vũ khí hóa học có thể được thực hiện bởi một cơ quan hoàn toàn độc lập thay vì cùng phát động một hành động can thiệp như vừa rồi.
 Trong trường hợp các thanh sát viên tìm thấy bằng chứng về vụ tấn công hóa học, các mẫu thu thập sẽ mang về phòng thí nghiệm để phân tích và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) sẽ công bố kết quả chính thức. Nếu có kết luận đã xảy ra tấn công hóa học, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có thể sẽ yêu cầu một cuộc họp để thảo luận về kết quả. Sau đó, các bên sẽ thảo luận về các biện pháp cần tiến hành. Có thể có bỏ phiếu về một nghị quyết lên án chế độ Syria. Cuối cùng, có thể ban hành các biện pháp trừng phạt và có lẽ cả đợt tấn công quân sự mới.
Ông Olivier Pick, nhà nghiên cứu Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp

Các tin khác