SCIC sẽ trở thành quỹ đầu tư tài chính có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam

(ĐTTCO) - SCIC đặt ra mục tiêu từng bước nghiên cứu chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ.

SCIC sẽ trở thành quỹ đầu tư tài chính có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam

Ngày 18-1, tại Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức hội nghị công bố và triển khai “Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025”.

Hiệu quả kinh doanh cao

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV SCIC, cho biết kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.080 DN (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn Nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng.

Về bán vốn, SCIC đã bán thành công vốn tại 1.054 DN (bán hết vốn tại 950 DN, bán bớt vốn tại 104 DN và bán quyền mua tại 19 DN), tổng giá trị thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn ban đầu.

Về sắp xếp và cổ phần hóa, đã có 31 trong tổng số 34 công ty TNHH từ 1-2 thành viên với 100% vốn Nhà nước đã được SCIC tiếp nhận. Về đầu tư kinh doanh vốn, SCIC đã giải ngân đầu tư với tổng số vốn là 37.600 tỷ đồng.

Tính chung sau hơn 17 năm hoạt động kể từ khi thành lập, SCIC đã tạo ra tổng doanh thu 110.432 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 85.863 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân trong cả giai đoạn đạt 13%/năm. Tổng nộp ngân sách nhà nước là 92.245 tỷ đồng.

Đơn cử, gần đây nhất, kết quả kinh doanh trong năm 2023 của SCIC cũng rất khả quan. Theo thông tin của SCIC công bố, tổng doanh thu lũy kế đến 31-12-2023 của SCIC ước đạt 6.916 tỷ đồng, bằng 104% so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 5.378 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.695 tỷ đồng, bằng 230% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 6.432 tỷ đồng , bằng 221% kế hoạch.

Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN, SCIC đã tiếp nhận 1 DN là Tổng công ty Dược Việt Nam với vốn nhà nước là 1.540 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 2.370 tỷ đồng.

Về công tác thoái vốn Nhà nước tại DN, SCIC đã triển khai bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị chào bán là gần 2.000 tỷ đồng.

Về tình hình triển khai hoạt động đầu tư, SCIC đã chủ động, tích cực làm việc với các bộ ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty lớn về việc tham gia đầu tư vào các dự án lớn, dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm cũng như triển khai các dự án có tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Trong năm 2023 SCIC đã và đang triển khai nghiên cứu đầu tư 10 dự án, với số vốn giải ngân dự kiến khoảng 20.452 tỷ đồng.

Chuyển đổi sang mô hình đầu tư chuyên nghiệp

Ngày 10-11-2023, Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định 1336/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến 2025 của SCIC. Đây cũng là cơ sở để SCIC đẩy mạnh cải cách và chuyển đổi mô hình.

Căn cứ vào đó, mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 5 năm (2021-2025) được SCIC đặt ra bình quân mỗi năm, gồm: doanh thu đạt 9.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 6.700 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10% và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 9,6%.

Bình quân mỗi năm, SCIC sẽ nộp ngân sách nhà nước 5.400 tỷ đồng/năm và phấn đấu tổng số giải ngân đầu tư chung của cả giai đoạn đến năm 2025 sẽ đạt 36.300 tỷ đồng.

Hiện nay, SCIC đang từng bước thực hiện tốt chức năng xúc tiến đầu tư, hợp tác với các quỹ, tổ chức tài chính quốc tế như: hợp tác với Cơ quan Đầu tư Oman (OIA) thành lập Công ty Đầu tư Việt Nam - Oman (đã thu hút vốn và giải ngân được 250 triệu USD); tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các quỹ đầu tư chính phủ của một số nước Vùng Vịnh như Qatar, Kuwait, Abu Dhabi; nghiên cứu đề án thành lập quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (PE Fund), các nhà đầu tư Hàn Quốc (NH phát triển Hàn Quốc - KDB, Mirae Asset…); hợp tác với Temasek trong chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và đào tạo cán bộ.

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách được SCIC đề xuất, xây dựng và triển khai đã được các cơ quan chức năng tham khảo, nhân rộng và áp dụng chung như: Quy chế người đại diện; Cơ chế bán đấu giá cả lô; Cơ chế đặt cọc, ký quỹ, thanh toán đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá mua cổ phần...

Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2026-2030), SCIC đặt mục tiêu tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ và SCIC có lợi thế, tạo ra sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.

Bên cạnh đó, SCIC cũng đặt ra mục tiêu từng bước nghiên cứu chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ.

Định hướng sau năm 2025, SCIC sẽ trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam và giai đoạn từ 2031-2035 sẽ là tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, vừa là công cụ, vừa là kênh đầu tư của Chính phủ vào nền kinh tế.

Các tin khác