Sẻ chia kịp lúc

(ĐTTCO) - Những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đường phố vắng tanh. Có khi trời chiều mây đen vần vũ, chúng tôi vội vã đi qua các chốt kiểm soát, thầm mong kịp trao hết những phần hỗ trợ từ chương trình “Một gia đình trợ giúp một gia đình” đến tận tay những hộ dân đang lâm cảnh ngặt nghèo. 

Trong tuần qua, 80 suất hỗ trợ đã được trao đến 80 hộ khó khăn tại quận 6, quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Tân.

Nhiều cảnh đời khốn khó

Tiếp chúng tôi trước căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo, chị Trần Thị Thủy (nhà số 557/14/10 Nguyễn Văn Khối, phường 8, quận Gò Vấp) chùng giọng kể: “Tôi bán hàng rong, còn chồng làm bảo vệ. Anh ấy đột quỵ mất cách đây 2 tháng, bỏ lại mình tôi với 3 đứa con, đứa lớn nhất mới học lớp 7. Cả thành phố giãn cách chống dịch, tôi không còn cách nào để kiếm tiền nuôi con. Căn nhà đang ở vẫn còn thiếu nợ ngân hàng chưa trả hết”. Nhận phong bì hỗ trợ từ chương trình, chị Thủy nói lời cảm kích nhưng gương mặt không giấu nổi nét lo toan. Hình ảnh người mẹ gầy gò, cô độc ôm con gái vừa tròn 3 tháng tuổi trong lòng khiến bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa.

Sẻ chia kịp lúc ảnh 1Đại diện Báo SGGP trao phần hỗ trợ khẩn cấp 
cho một hộ dân khó khăn ở khu phố 4, phường 2, quận 6

Danh sách trao hỗ trợ có khá nhiều hộ đang ở trong khu cách ly y tế, khu phong tỏa tạm thời. Đứng ở đầu hẻm 647 Thống Nhất, phường 13, quận Gò Vấp, trước hàng dây đỏ căng ngang, chúng tôi gọi điện cho bà Hà Thị Ngắm. Con trai bà Ngắm, anh Trần Hà Thanh Hồng, cho biết bà đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (bà Ngắm bị ung thư phổi và xương, đã di căn). Chúng tôi lập tức đến bệnh viện trao hỗ trợ ngay để anh Hồng có tiền đóng viện phí cho mẹ.


Mưa bắt đầu nặng hạt, sợ không kịp về nhà trước 18 giờ, chúng tôi gọi điện thoại cho chị Trần Thị Kiều (36 tuổi), hẹn sẽ đến vào sáng hôm sau. Giọng lo lắng của chị trong điện thoại khiến chúng tôi phải quay đầu xe, chạy nhanh đến căn nhà trọ ở số F35 đường D3, phường Tân Thới Nhất, quận 12. Chị đứng đợi sẵn ở cửa nhà, mừng rỡ khi thấy chúng tôi đến. Chị cho biết: “Vợ chồng tui ở Vĩnh Long, đem 2 đứa nhỏ lên TPHCM ở trọ mưu sinh. Hồi chưa dịch bệnh, tui bán cà phê, ảnh thì bán rau củ dạo, cũng ráng đắp đổi qua ngày. Gần 2 tháng nay, cả nhà thất nghiệp. Không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi không biết sẽ sống ra sao. Nay nhận sự giúp đỡ từ bạn đọc Báo SGGP, tui cảm động và biết ơn hết sức!”.

Những tấm lòng thơm thảo

Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, chị Hứa Thị Mỹ Hạnh (ngụ ở đường Chánh Hưng, phường 4, quận 8) rụt rè hỏi thông tin đóng góp ủng hộ chương trình. Chị Hạnh chia sẻ niềm vui chồng chị vừa khỏi bệnh sau 14 ngày tự điều trị tại nhà do mắc Covid-19. Chị nói: “Từ lúc chồng em nhiễm bệnh, trong khi gia đình còn đang hoang mang, lo lắng thì đã nhận được biết bao lời thăm hỏi, động viên lẫn tận tình hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà từ bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng. May mắn vượt qua nguy hiểm, vợ chồng em càng trân quý tình cảm của mọi người xung quanh. Dù công việc bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, cuộc sống chẳng dư dả gì, nhưng gia đình em sẵn lòng gói ghém chi tiêu hàng ngày để chia sẻ chút tình cho những gia đình khó khăn khác”.

“Mẹ kính yêu của chúng tôi vừa qua đời. Bà ra đi giữa lúc thành phố tăng cường giãn cách để chống dịch. Trong điều kiện khó khăn này, xin nhờ Báo SGGP giúp thực hiện tâm nguyện của mẹ tôi, góp một phần nhỏ hỗ trợ những gia đình khó khăn trong dịch bệnh” - tin nhắn từ số máy lạ gởi đến số điện thoại tiếp nhận của chương trình khiến chúng tôi lặng đi giây lát. Biết gia đình người quá cố đang có nhiều việc cần giải quyết, chúng tôi chỉ có thể nhắn tin chia buồn và cảm ơn, cam kết chuyển phần đóng góp của gia đình đến những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Là những người thực hiện chương trình, không chỉ băn khoăn, trăn trở khi chứng kiến nhiều mảnh đời khốn khó, chúng tôi còn có niềm vui, sự xúc động trước những chia sẻ mộc mạc, chân tình của bạn đọc đồng hành. Mỗi món tiền đóng góp, dù lớn, dù nhỏ, đều chan chứa tình yêu thương, nghĩa đồng bào. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chương trình sẽ là nơi tiếp nhận và chuyển trao tình yêu thương vô điều kiện đó.

Từ ngày khởi động (21-8) đến nay, chương trình “Một gia đình trợ giúp một gia đình” đã nhận được 145 suất hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp và nhiều bạn đọc hảo tâm. Chương trình xin tiếp nhận đóng góp, ủng hộ của các đơn vị, quý bạn đọc qua tài khoản: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 31010000231438 Ngân hàng BIDV, chi nhánh TPHCM. Nội dung: 1 gia đình trợ giúp 1 gia đình. Mọi thông tin xin liên hệ: Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội, điện thoại: 0909632031.

Trong tuần qua, ngoài đóng góp từ các cá nhân, bạn đọc, chương trình “Một gia đình trợ giúp một gia đình” đã nhận được 100 triệu đồng từ Công đoàn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Ông Lê Khả Trường, Phó Chủ tịch Công đoàn, đại diện đơn vị ủng hộ, cho biết, đây là phần đóng góp từ cán bộ, nhân viên, đoàn viên công đoàn ACV, thông qua chương trình của Báo SGGP, mong muốn chuyển đến những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ, trợ giúp người nghèo cùng vững vàng vượt qua đại dịch.

Các tin khác