Chiều 19/9, ông Trần Duy Đông - Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho biết sẽ xây dựng thêm 3 đề án thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt gắn với 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Bên cạnh các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như ưu đãi thuế, cho thuê đất lên tới 99 năm, visa thông thoáng hơn, sẽ mở rộng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, rút ngắn các thủ tục hành chính… dự thảo luật cũng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong giải quyết tranh chấp như áp dụng pháp luật nước ngoài và giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế.
Cùng với luật, hiện Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng ba đề án thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó sẽ cụ thể hóa chi tiết về quy hoạch, chuyển đổi dân cư, sắp xếp bộ máy hành chính, tổ chức cơ quan đơn vị… Những đề án này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và được trình lên Quốc hội vào kỳ họp vào tháng 5-2018.
Đặc biệt, trưởng đặc khu sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm trên cơ sở chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ. Sẽ có HĐND cấp tỉnh, hội đồng tư vấn giám sát gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược sẽ giám sát hoạt động của trưởng đặc khu.
Trưởng đặc khu sẽ có 77 thẩm quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm về các thẩm quyền được phân cấp và trong trường hợp không đáp ứng được yêu cầu, hội đồng nhân dân sẽ được đề xuất cắt chức.
Tuy nhiên, ông Đông cũng nêu khó khăn lớn nhất là các quy định và ưu đãi đưa ra có đáp ứng với nhu cầu nhà đầu tư chiến lược hay không? Do đó dự thảo luật xây dựng cơ chế mở và sẵn sàng đàm phán với nhà đầu tư chiến lược, tức là trong trường hợp có nhà đầu tư chiến lược mà đặt ra yêu cầu thì có thể đàm phán các ưu đãi và tính tới việc sửa đổi luật.
Đồng thời, chính quyền đặc khu sẽ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi trong thẩm định về thủ tục với các nhà đầu tư; thực hiện thủ tục hải quan ưu tiên đối với doanh nghiệp đầu tư tại đặc khu.