Đã đến lúc thực hiện kiểm định khí thải xe máy

(ĐTTCO)-Mới đây, tại Dự thảo lần thứ 5 Luật Giao thông Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất xe máy phải được kiểm định về phát thải khí thải. Đây là điều cần thiết, song theo các chuyên gia, cần có một lộ trình phù hợp.
Xe máy là nguồn phát thải khí thải lớn nhất tại các thành phố lớn. Ảnh: Internet
Xe máy là nguồn phát thải khí thải lớn nhất tại các thành phố lớn. Ảnh: Internet

Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ lần thứ 5 đang được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Trong đó có đề xuất một quy định gây sự chú ý quan tâm của dư luận, đó là: "Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định".

Sở dĩ có đề xuất này, theo lý giải của Bộ GTVT, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 chỉ ra rằng, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến nay cả nước có khoảng 70 triệu mô tô, xe gắn máy. Riêng tại Hà Nội có khoảng 7,7 triệu xe máy, trong đó, có gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000. Còn tại TP.HCM có khoảng 9 triệu xe, trong đó lượng xe sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68%.

Sở TN-MT TP.HCM khẳng định, các hoạt động giao thông là nguồn phát khí thải lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải tại TP.HCM. Trong đó, số lượng xe máy đang lưu hành gấp 10 lần số lượng ô tô và chiếm tới khoảng 90% tổng lượng phương tiện giao thông cơ giới.

Còn theo báo cáo của Sở TN-MT Hà Nội, trên địa bàn TP, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng tham gia giao thông, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC, 87% lượng CO, 57% lượng NOx trong tổng lượng phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí của các loại xe cơ giới.

Xe máy cũ - một trong những "thủ phạm" gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Internet

Trong khi đó, luật Giao thông Đường bộ năm 2008 vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải tính đến việc kiểm định để nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho rằng, nếu không kịp thời kiểm soát khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông nói chung, xe mô tô, gắn máy nói riêng thì lượng khí thải khổng lồ thải ra mỗi năm không chỉ là câu chuyện về môi trường sống mà còn liên quan đến hạ tầng y tế, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Là một chuyên gia giao thông, nhiều năm nghiên cứu các vấn đề về giao thông đường bộ, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Xe máy Việt Nam rất đồng tình với đề xuất này và cho rằng, với tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông trong những năm gần đây, đặc biệt là sự gia tăng của xe mô tô, xe gắn máy thì việc kiểm định phát thải khí thải đối với các loại phương tiện này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho hay, đây là việc không dễ để thực hiện.

“Thực tế, đề xuất này đã có từ cách đây hơn chục năm, thế nhưng tại sao dù cần thiết như vậy song đến nay vẫn chưa thực hiện được? Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cơ giới trong khi hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng kịp thời. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra được những giải pháp phù hợp. Thứ ba là chúng ta chưa xây dựng được quy chuẩn cho các trạm kiểm định xe máy, chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn lực và con người” – ông Nguyễn Văn Thanh nhận định.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng nhấn mạnh, việc kiểm định phương tiện cần phải xây dựng lộ trình phù hợp, trước mắt là đặt trong bối cảnh của từng địa phương, thực hiện thí điểm trước khi thực hiện đại trà. Theo đó, chỉ nên kiểm tra định kỳ xe máy, mô tô quá cũ, ở những thành phố có mật độ dân cư cao. “Để kiểm soát thì trước hết phải đầu tư hệ thống trang thiết bị đo đạc, đánh giá, từ đó đưa ra mức giới hạn về khí thải. Sau đó xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh bao gồm các quy chuẩn, bao nhiêu phần trăm lượng phương tiện phải đạt chuẩn, xe không đạt tiêu chuẩn thì sẽ xử lý thế nào, nếu cố tình lưu thông có bị chế tài hay không, chế tài ra sao… Tất cả bộ khung này phải xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tiễn” - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Xe máy Việt Nam bày tỏ.

Xe máy chiếm tỷ lệ 90% phương tiện giao thông đường bộ tại VN. Ảnh: Internet

Cùng với việc thực hiện thí điểm trước khi đưa vào luật thực thi, để giảm phát thải khí thải trong hoạt động giao thông, cũng cần tính đến chuyện kết hợp chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện xanh.

“Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng và ban hành được hệ thống văn bản pháp luật cho thật rõ ràng, tránh đưa ra dư luận xã hội, người ta phản ứng hoặc lại lỏng lẻo quá khiến những người thi hành công vụ không biết đường nào. Đó là mầm mống cho tiêu cực và tham nhũng. Bên cạnh đó còn phải xây dựng một lộ trình chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật… rất cụ thể và công khai tất cả những kế hoạch, lộ trình để cho người dân được biết” – ông Nguyễn Văn Thanh nêu ý kiến.

Với những lợi ích trực tiếp gắn với môi trường, sức khỏe cũng như vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông… rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần phải tính đến chuyện kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là một lộ trình hợp lý, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, không gây phiền phức, tốn kém cho người dân, làm thế nào để quy định này phát huy tác dụng như các nhà dự thảo và cả xã hội mong đợi, tránh tình trạng đề xuất xong rồi lại không khả thi, và ngày ngày chúng ta vẫn phải hít một lượng lớn khí thải độc hại từ những chiếc xe máy.

Các tin khác