PV: Là một chuyên gia pháp lý ngân hàng có sự quan tâm theo dõi về tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, ông có thể đánh giá về thực trạng tín dụng đen hiện nay?
Luật sư Trần Minh Hải: Tín dụng đen tồn tại và còn phát triển mạnh! Từ trước tới nay, tôi luôn duy trì một định nghĩa theo quan sát của riêng mình về tín dụng đen. Đó là “hoạt động cho vay mà người cho vay có yếu tố lừa dối, ép buộc người đi vay hoặc có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe, chiếm đoạt tài sản của người đi vay”.
Đừng nhầm lẫm rằng cứ cho vay lãi suất cao hơn so với lãi suất ngân hàng là tín dụng đen, bởi với nhận định đó chúng ta cứ đi thu hẹp phạm vi hoạt động của các định chế tín dụng tiêu dùng hợp pháp và càng làm tín dụng đen nở rộ. Thực tế thì nhu cầu vay vốn nhỏ trên thị thường tài chính hiện nay rất lớn.
Gọi là tín dụng tiêu dùng, nhưng các khoản vay còn liên quan đến hoạt động kinh doanh tiểu thương, gắn liền với đời sống dân sinh, kinh tế gia đình, hoạt động tiểu thương… Do vậy, khi mà nhu cầu tín dụng lớn, nguồn cung từ các định chế tín dụng hợp pháp còn chưa đúng năng lực, thì tín dụng đen còn phát triển.
PV: Dẫu vậy, nhưng có vẻ như các quy định của cơ quan quản lý vẫn siết chặt hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng?
Luật sư Trần Minh Hải: Xu hướng siết chặt là có! Như việc siết chặt về hạn mức giải ngân trực tiếp đối với khách hàng tại Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Trước đây, các công ty tài chính được quyền tự do hơn trong việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng nhưng tại Thông tư 18 đưa ra hạn mức về giải ngân trực tiếp.
Thông tư 18 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, các công ty tài chính phải giảm tỷ lệ cho vay tiền mặt với khách hàng trên tổng dư nợ tín dụng xuống 70% kể từ đầu năm 2021. Tỷ lệ này sau đó sẽ phải giảm tiếp xuống 60% trong năm 2022, 50% từ năm 2023 và xuống 30% từ đầu năm 2024. Quy định này sẽ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng.
Vậy là Ngân hàng Nhà nước vẫn đi theo một lối mòn trong tư duy về “mục đích vay vốn”. Ngân hàng Nhà nước trong quản lý hoạt động cho vay thường yêu cầu các tổ chức tín dụng phải bảo đảm khách hàng vay dùng tiền vay đúng mục đích kê khai. Ví dụ, khi khách hàng vay mua một cái ti vi hoặc một cái xe máy, thì công ty tài chính phải giải ngân cho người bán xe máy, bán ti vi chứ không được giải ngân trực tiếp cho khách hàng để từ đó khách hàng đi trả cho bên bán hàng. Cứ giải ngân trả tiền cho khách vay hoặc giải ngân qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đều coi là giải ngân trực tiếp.
Điều này không phủ nhận sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính, nhất là những công ty có chủ trương kinh doanh tín dụng tiêu dùng qua phương thức thẻ tín dụng. Đã sử dụng thẻ để nhận giải ngân giữa công ty tài chính với khách hàng, thì sẽ bị coi là giải ngân tiền mặt. Vậy thì làm sao mà thúc đẩy được tỷ trọng dư nợ vay khi mà phải bảo đảm chỉ được cho vay bằng thẻ mức 30% tổng dư nợ?
Cho vay tiêu dùng có đặc thù là rủi ro vô cùng cao. Có thể cho vay 100 khoản, thì 60 khoản gặp rủi ro nợ khó đòi. Vì lẽ đó, năng lực thu nợ chính là động lực của sự phát triển tín dụng tiêu dùng. Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính có sự gắn kết với dịch vụ thu nợ thuê ngoài. Trong thời gian tới, theo tôi các công ty tài chính ở Việt Nam cũng chưa đủ nguồn lực nội bộ để tiến hành hoạt động thu nợ bổ sung cho thiếu hụt thuê ngoài. Điều này cũng gây hạn chế trong sự phát triển tín dụng tiêu dùng.
PV: Vậy giải pháp nào để vừa hạn chế tín dụng đen vừa phát triển tín dụng tiêu dùng, thưa ông?
Luật sư Trần Minh Hải: Ngân hàng Nhà nước nên nới lỏng phương thức quản lý cho vay tiêu dùng, không nên lấy mục đích vay vốn là điều kiện phải bảo đảm đối với các công ty tài chính. Theo tôi, sớm hay muộn thì dịch vụ thu nợ vẫn cần quay lại với thị trường miễn sao pháp luật tạo được hành lang pháp lý rõ cho hoạt động này bằng những quy tắc thiết thực.
Về phía các công ty tài chính cũng cần nâng nguồn lực nội bộ, công nghệ và sự bảo đảm rủi ro pháp lý theo kịp với các mục tiêu kinh doanh mà các công ty này đặt ra. Việc chạy theo chỉ tiêu trong khi không nghiêm túc xử lý các vấn đề nội bộ là nguyên nhân tạo nên tỷ trọng nợ xấu tiêu dùng tăng cao tại khối tổ chức tín dụng này. Các giải pháp này sẽ tạo nên môi trường tốt để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen.
PV: Xin cảm ơn ông !