“Các TCTD phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất ngày 31-12-2015”.
Trên đây là nội dung tại Thông tư 06/2015/TT-NHNN do NHNN vừa ban hành, quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật các TCTD. Sau thời hạn quy định, các trường hợp vượt giới hạn sở hữu không khắc phục được, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp xử lý như không chấp thuận nhân sự liên quan dự kiến bầu vào cơ cấu nhân sự cao cấp của TCTD đó; không cho phép nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn…
Đặc biệt, kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành 15-7-2015, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó.
Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 36 với những quy định liên quan đến nội dung này. Theo số liệu thống kê của NHNN, hiện vẫn có 5/33 NHTMCP có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; có 5/33 NHTMCP là tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; có 8/33 NHTMCP có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2014, một số ngân hàng chưa đáp ứng theo quy định về tỷ lệ sở hữu như Tập đoàn Điện lực (EVN) sở hữu 16,02%% vốn ABBank, Tập đoàn Dầu khí (PVN) nắm 52% vốn PVcomBank (30-6-2014), CTCP Tập đoàn Masan nắm 19,57% vốn Techcombank...
Thông tư mới của NHNN được cho là sẽ mạnh tay với tình trạng cổ đông lớn và người có liên quan tại không ít NHTMCP vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ cho lợi ích của cổ đông lớn, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch, quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.