Sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng tập trung vào công nghệ đã khiến các nhà đầu tư choáng váng trong tuần qua. Cổ phiếu của SVB đã giảm hơn 80% và sự sụp đổ của ngân hàng đã xóa sạch 55 tỷ USD vốn hoá thị trường của 4 ngân hàng hàng đầu của Phố Wall trong một ngày.
"Chúng ta nhận được gì khi chứng kiến một trong những chu kỳ tăng lãi suất lớn nhất từng được ghi nhận, bên cạnh một trong những đường cong lợi suất đảo ngược nhất trong lịch sử, đồng thời chứng kiến một trong những bong bóng công nghệ lớn nhất nổ tung trong lịch sử, cùng với sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường tư nhân (đề cập đến các khoản đầu tư vào vốn chủ sở hữu và nợ của các công ty tư nhân)", các nhà phân tích của Deutsche Bank cho biết.
"Câu trả lời là chúng ta sẽ có những thời điểm giống như ngày 10/3 khi cổ phiếu của SVB đóng cửa giảm hơn 60,41% trong ngày và thổi bay 9,6 tỷ USD vốn hoá thị trường. Không quá lời khi nói rằng tình tiết này là biểu tượng của xu hướng tăng lãi suất mà chúng ta có vẻ như đang ở giai đoạn đầu”, báo cáo của Deutsche Bank cho biết thêm.
Khoản lỗ nặng nề của SVB đối với danh mục đầu tư trái phiếu là kết quả trực tiếp của việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm ngoái, khiến việc nắm giữ trái phiếu kho bạc dài hạn và chứng khoán thế chấp của SVB bị ảnh hưởng vì lãi suất tăng.
Điều này đánh dấu sự kết thúc của cái gọi là “bong bóng mọi thứ” mà các ngân hàng trung ương tạo ra bằng cách giữ lãi suất thấp một cách giả tạo, bơm đầy thanh khoản vào thị trường và nói chung là tạo điều kiện thuận lợi cho giá tài sản đến mức chúng có vẻ như là một khoản đầu tư không thể thua lỗ.
SVB chỉ đơn thuần là nạn nhân mới nhất của kỷ nguyên sắp kết thúc đột ngột và nó minh họa các vấn đề đối với các nhà đầu tư và công ty đã đạt được thành công lớn trong thời kỳ điều kiện tài chính lỏng lẻo chưa từng có. Khi lãi suất tăng và các khoản đầu tư ít rủi ro hơn bắt đầu mang lại lợi suất hấp dẫn, ngày càng nhiều tiền sẽ được rút ra từ những tài sản như cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao, tiền điện tử và các công ty khởi nghiệp do tư nhân nắm giữ.
Vì vậy, để tóm tắt lại: "Fed đã thổi phồng bong bóng này và bây giờ họ đang muốn làm nổ nó".
Tuần này, nhà đầu tư huyền thoại Jeremy Grantham đã chỉ trích Fed vì đã tạo ra bong bóng với chính sách của mình, ông đã gọi ảnh hưởng của Fed đối với thị trường là một "chương trình kinh dị" kéo dài 36 năm.
"Họ đã tham gia vào các chính sách làm tăng giá tài sản, thậm chí những thứ khác cũng vậy, và tạo ra những bong bóng được định giá quá cao ngoạn mục. Sau đó, họ phá vỡ vì đó là những gì bong bóng phải làm. Họ chỉ đơn giản là phá vỡ mức định giá quá cao của mình và chúng tôi phải trả giá rất nhiều tiền”, nhà đầu tư huyền thoại Jeremy Grantham cho biết.
Các nhà bình luận khác ở Phố Wall cũng đã chỉ trích phản ứng mạnh mẽ của Fed đối với lạm phát, cảnh báo rằng một vụ sụp đổ kinh hoàng của thị trường chứng khoán hiện được đưa ra khi bong bóng khổng lồ mà chính ngân hàng trung ương tạo ra có vẻ như sắp đổ vỡ.
Theo Mohamed El-Erian, chiến lược gia của Morgan Stanley, nguy cơ sụp đổ của thị trường trở nên cao hơn sau khi Chủ tịch Fed, ông Powell trong tuần qua đã báo hiệu các đợt tăng lãi suất mạnh hơn vào năm 2023, mà ông cho rằng thị trường chứng khoán có thể giảm tới 20% - 30% trong vài tháng tới.
"Chúng ta sẽ phải xem câu chuyện này phát triển như thế nào nhưng luôn có điều gì đó trở nên khó khăn trong hoặc sau một chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Liệu đây có phải là một sự chao đảo nhỏ khác trên mặt trận này hay là khởi đầu của một điều gì đó lớn hơn? Khó để nói nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu không còn nhiều thương vong nữa xuất hiện trong chu kỳ sụp đổ và phá sản này. Đừng quên, chúng ta vẫn chưa bước vào giai đoạn suy thoái", các nhà phân tích của Deutsche Bank cảnh báo.