Singapore đã có câu trả lời về cách thức chấm dứt đại dịch Covid-19?

(ĐTTCO) - Khả năng loại bỏ hoàn toàn virus SARS-Cov-2 sẽ khó xảy ra nhưng sẽ đến ngày Covid-19 không còn là đại dịch và Singapore có thể là minh chứng cho điều này.

Singapore có thể là hình mẫu cho thấy đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt ở một số quốc gia nhất định: số ca mắc gia tăng khi những hạn chế cuối cùng đối với các doanh nghiệp và việc tụ tập đông người sắp được dỡ bỏ, nhưng đã xuất hiện một bức tường miễn dịch giúp người dân không phải đến bệnh viện vì bệnh chuyển nặng, và ngăn ngừa các ca tử vong.

Singapore đã có câu trả lời về cách thức chấm dứt đại dịch Covid-19? ảnh 1

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Singapore, ngày 2/6/2021. Ảnh: THX

Trước khi mở cửa trở lại, Singapore đã tiêm phòng cho 83% dân số trên tổng số 5,7 triệu dân. Con số này chiếm 94% dân số trên 12 tuổi. Hiện Bộ Y tế Singapore vẫn chưa phê duyệt sử dụng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi.

Sau khi tiêm phòng cho hầu như toàn bộ người dân đủ điều kiện, chính phủ nước này bắt đầu coi Covid-19 là căn bệnh “đặc hữu” – tức là một căn bệnh hiện diện liên tục hoặc xuất hiện phổ biến nhưng có thể kiểm soát được khi áp dụng một số biện pháp hạn chế. Phát biểu với The Daily Beast, chuyên gia cấp cao về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Chúng tôi đang trải qua quá trình chuyển đổi từ từ sang giai đoạn bệnh đặc hữu”.

Với quy mô dân số tương đối nhỏ, Singapore có lợi thế hơn nhiều quốc gia Đông Nam Á khác khi đối phó với làn sóng Covid-19 ở giai đoạn đầu. Ngoài ra, nhiều yếu tố khác như hệ thống y tế hiện đại, đóng cửa biên giới sớm, thực thi các quy định phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, thực hiện quy định kiểm dịch và truy tìm kỹ lưỡng người tiếp xúc, liên lạc với bệnh nhân Covid-19 cũng góp phần giúp Singapore hoàn toàn kiểm soát được làn sóng dịch bệnh đầu tiên vào năm 2020.

Khi vaccine ngừa Covid-19 sẵn có vào tháng 12/2020, chính phủ nước này đã ngay lập tức xúc tiến kế hoạch tiêm chủng. Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine RNA của Pfizer.

Trái với Mỹ - nơi tỷ lệ tiêm chủng chỉ gia tăng trong một thời gian ngắn, sau đó chững lại và giảm xuống, Singapore tiêm chủng đều đặn cho tất cả những ai đủ điều kiện.

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, Alex Cook, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, việc tiêm chủng có thể sẽ sớm được cho phép.

Theo chuyên gia này, nhiều quan chức và các bậc phụ huynh đang theo dõi sát sao việc cấp phép của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đối với vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 12 tuổi. Một khi quyết định cấp phép được đưa ra, Singapore có thể sớm tiêm chủng cho toàn bộ dân số.

Để khuyến khích người dân đi tiêm phòng, chính phủ Singapore đã ban hành những quy định chặt chẽ như yêu cầu khách hàng phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi vào các trung tâm mua sắm hoặc nhà hàng. Tại những nơi làm việc, người lao động bắt buộc phải tiêm phòng nếu không sẽ phải nghỉ việc. Quy định này có hiệu lực từ tháng 1/2021.

Các quan chức y tế hy vọng rằng, những quy định nghiêm ngặt về tiêm chủng sẽ cho phép chính phủ từ từ nới lỏng các hạn chế khác mà không gây ra làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng. Singapore đã mở cửa trở lại nhiều trường học vào mùa Thu năm nay, dỡ bỏ hạn chế đi lại vào tháng 10 vừa qua.

“Singapore sẽ mất nhiều thời gian hơn để thoát khỏi đại dịch, nhưng cách làm này sẽ an toàn hơn so với việc dỡ bỏ tất cả hạn chế một cách đột ngột”, chuyên gia Fisher cho biết.

Tuy vậy, số ca mắc tại Singapore đã tăng đột biến. Giải thích về điều này, ông Alex Cook nói: “Sỡ dĩ như vậy là vì virus đang lây lan trong cộng đồng một cách tự do”.

Singapore đã ghi nhận khoảng 3.800 trường hợp mỗi ngày trong tuần cuối cùng của tháng 10. “Đây là làn sóng lây nhiễm vô cùng lớn trong cộng đồng dân cư. Có nhiều trường hợp “lây nhiễm đột phá” (tức là mắc bệnh sau khi tiêm phòng). Nhưng nhờ chiến dịch tiêm phòng rộng rãi, hầu như tất cả những người mắc đều không xuất hiện triệu chứng. Nhà chức trách chỉ biết đến những trường hợp này qua việc xét nghiệm”, ông Alex Cook cho biết.

Eng Eong Ooi, chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Nếu áp dụng các tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới để nhận biết một trường hợp mắc Covid-19, thì nhiều trường hợp trong số này không đáp ứng các tiêu chí đó và do vậy không thể coi là thực sự mắc bệnh”.

Singapore đã ghi nhận hơn 10 trường hợp tử vong mỗi ngày, hầu hết ở những nhóm dễ bị tổn thương như người già ở viện dưỡng lão. Ông Paul Ananth Tambyah - Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Nhiễm trùng lâm sàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Tỷ lệ tiêm chủng cao nhiều khả năng đã làm giảm tỷ lệ tử vong ở những người lớn tuổi”.

Giới phân tích cho rằng, việc số ca mắc tăng đột biến là cái giá mà Singapore đang phải trả để sớm trở lại trạng thái bình thường. “Hy vọng là các biện pháp giãn cách và hạn chế về mặt xã hội sẽ được dỡ dần dần. Việc nới lỏng hạn chế có thể gây ra làn sóng Covid-19 lớn hơn, nhưng nếu quá trình này diễn ra từ từ, chúng tôi có thể tránh nguy cơ quá tải các bệnh viện”.

Tuy vậy, không phải tất cả các quốc gia đều có thể áp dụng mô hình tương tự như ở Singapore. Lợi thế của Singapore là có dân số nhỏ, tiềm lực kinh tế vững mạnh và người dân có ý thức, trách nhiệm cao. Trái lại, nhiều quốc gia khác như Mỹ vẫn gặp thách thức trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch do nhiều người dân vẫn có tâm lý hoài nghi vaccine và không muốn tiêm phòng.

Các tin khác