Tối 1-7, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, Sở vừa trình UBND TPHCM phương án xử lý tình huống doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 cho nhiều người lao động thôi việc trên địa bàn TPHCM.
Phương án nhằm chủ động, tiếp cận nhanh và hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động; đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động bị thôi việc, mất việc. Đồng thời, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, góp phần ổn định tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM.
Phương án của Sở LĐTB-XH TPHCM đưa ra trong bối cảnh có 2 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã cắt giảm hàng loạt người lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó, cuối tháng 5-2020, Công ty cổ phần Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp), cắt giảm gần 50% số lao động, từ hơn 4.500 người, xuống còn 2.300 người. Ngay sau đó, ngành LĐTB-XH đã kết nối, giới thiệu 8 công ty trên địa bàn quận Gò Vấp tiếp nhận, tạo việc làm mới cho 2.200 lao động bị Huê Phong cắt giảm. Sang tháng 6-2020, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (đóng trên địa bàn quận Bình Tân), chấm dứt hợp đồng lao động với 2.786 công nhân và từ ngày 1-7, PouYuen cho 6.000 công nhân tạm nghỉ chờ việc trong tháng 7.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn đánh giá, mặc dù tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, nhưng tình hình dịch trên thế giới vẫn đang phức tạp, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, nhiều lao động có khả năng bị ngừng việc, mất việc trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, có gần 328.000 lao động nghỉ việc trên địa bàn TPHCM. Trong đó, số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 90.000 người. Qua khảo sát nhanh của Cục Thống kê TPHCM tại 16.300 doanh nghiệp cho thấy, có gần 14.000 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 (chiếm 86%).
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam vừa cắt giảm gần 2.800 lao động và tiếp tục cho 6.000 công nhân tạm ngưng việc
Dự báo về tình hình lao động trong 6 tháng cuối năm 2020, ông Lê Minh Tấn phân tích, có 2 tình huống.
Tình huống 1, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Lúc đó, các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành sẽ gặp nhiều khó khăn như: khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…), khu vực công nghiệp – xây dựng (ngành dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, xây dựng…). Dự kiến có khoảng 4.800 – 5.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với 160.000 - 180.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.
Tình huống 2, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tích cực, tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Khi đó, tình hình doanh nghiệp khởi sắc vào những tháng cuối năm và dịp cuối năm cũng là thời điểm gia tăng nhiều việc làm ngắn hạn, tạm thời thu hút lao động, hạn chế tình trạng ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp… vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất – nhập), bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, không tìm được đối tác triển khai đơn hàng tại các thị trường ngoài nước. Dự kiến, có khoảng 4.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với quy mô 100.000 - 120.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.
Lượng người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn TPHCM tăng mạnh, lên 90.000 người trong 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn đề nghị, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, UBND quận, huyện tiếp tục tăng cường giám sát, giữ ổn định tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động trong trạng thái bình thường mới; chủ động có phương án hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19 phải cho nhiều người lao động thôi việc.
Trường hợp phát sinh tình huống phức tạp, hoặc có doanh nghiệp sử dụng đông lao động (trên 500 người), gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có đơn hàng do dịch Covid-19, phải cho nhiều người lao động thôi việc, thì các sở, ngành, quận, huyện cùng phối hợp giải quyết.
Về phía Sở LĐTB-XH TPHCM, sở quyết định lập 3 tổ công tác nhanh để cùng phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện trong tổ chức tiếp xúc, tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sớm quay trở lại với thị trường lao động. Đồng thời, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB-XH các tỉnh để giới thiệu việc làm cho lao động tỉnh muốn về quê làm việc. Sở LĐTB-XH TPHCM cũng kết nối với hệ thống các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm để có nhiều kênh thông tin việc làm hỗ trợ người lao động ngay khi doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lao động.
Ngành LĐTB-XH cũng hỗ trợ người lao động tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để chuyển đổi công việc, học tập nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm…