Sợ mất vốn, quỹ bảo lãnh tài chính nhà nước 'siết' điều kiện cho vay

(ĐTTCO) - Theo đánh giá của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN), cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) thông qua các quỹ tài chính nhà nước chưa thực sự hiệu quả, nhiều DN khó tiếp cận được nguồn vốn này.
Sợ mất vốn, quỹ bảo lãnh tài chính nhà nước 'siết' điều kiện cho vay

Cụ thể, tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” do NHNN tổ chức chiều 15-3, tại Hà Nội, báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho thấy, kết quả bảo lãnh cho DNNVV thời gian qua còn thấp. Dư nợ tín dụng có bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng các địa phương tăng từ 411 tỷ đồng năm 2016 lên 648 tỷ đồng năm 2017, sau đó giảm dần qua các năm 2018-2022.

Tổng dư nợ có bảo lãnh của quỹ đến cuối tháng 2 chỉ đạt 261 tỷ đồng đồng và hiện chỉ có 2 NH phát sinh dư nợ là Agribank và Vietcombank.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị. Ảnh: NHNN

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị. Ảnh: NHNN

Về nguyên nhân của tình trạng hoạt động kém hiệu quả trên, phía NHNN cho rằng do một số địa phương chưa cấp đủ vốn điều lệ cho quỹ theo quy định, hoạt động nhiều quỹ không hiệu quả, trình độ nhân lực còn hạn chế, nguồn thu hạn hẹp chủ yếu là lãi tiền gửi tại các NHTM.

Bên cạnh đó, phần lớn bảo lãnh của các quỹ này là bảo lãnh có điều kiện, quỹ được quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh nên có nhiều trường hợp quỹ bảo lãnh tín dụng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và xảy ra tranh chấp với các TCTD cho vay.

Thêm vào đó, nguyên tắc hoạt động của quỹ là phải bảo toàn vốn, trong khi hoạt động bảo lãnh là hoạt động có rủi ro, mức trích lập dự phòng rủi ro không đủ lớn để có thể thực hiện nghĩa vụ trả thay khi DNNVV không có khả năng trả nợ. Do vậy, lãnh đạo các quỹ thường ngại thực hiện bảo lãnh cho DNNVV.

Cũng theo đại diện NHNN, các quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước đến nay chưa phát sinh cho vay trực tiếp đối với DNNVV, nên DNNVV chưa thể tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn này.

Mặt khác, khi tiếp cận nguồn vốn này gián tiếp qua các TCTD, thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện cho vay của các NHTM thông thường, DNNVV phải chịu chi phí vốn cao hơn so với trực tiếp, thủ tục, hồ sơ phức tạp.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 28-2, quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước mới ký thỏa thuận giao vốn cho 6 NHTM (BIDV, MBBank, SHB, HDBank, Bac A Bank và Sacombank) với tổng số vốn chấp thuận cho vay của quỹ chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng và tổng số vốn đã giải ngân là khoảng 230 tỷ đồng.

Về phía các DNNVV, các DN này đã trả nợ gốc khoảng 100 tỷ đồng, số tiền lãi đã trả là khoảng 20 tỷ đồng và dư nợ hiện tại là khoảng 130 tỷ đồng.

Các tin khác