Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần, ĐTTC đã trao đổi với ông LÂM VĂN MẪN (ảnh), Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, về những kết quả đã đạt được.
PHÓNG VIÊN: - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn, tỉnh Sóc Trăng vẫn gặt hái được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Xin ông cho biết những kết quả tiêu biểu đạt được trong năm qua?
Ông LÂM VĂN MẪN: - 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc xuất hiện đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với tốc độ lây lan rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Thế nhưng, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, Chính phủ; sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và đạt được những kết quả quan trọng.
Sau 2 đợt giãn cách xã hội, Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo mức độ nguy cơ (đỏ - cam - vàng - xanh). Từ đó, góp phần hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến đời sống người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa cuộc sống nhân dân về trạng thái “bình thường mới”, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Sóc Trăng thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Cụ thể, có 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được thực hiện đạt và vượt; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt ở con số dương 1,18%. Sóc Trăng là tỉnh xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và thứ 47 so cả nước và có tăng trưởng dương.
Kết quả sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều tăng so cùng kỳ, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục được duy trì, dần ổn định và phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 12% so với cùng kỳ (đạt 27.565 tỷ đồng).
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD, vượt 15% chỉ tiêu Nghị quyết. Trong đó, xuất khẩu thủy sản 910 triệu USD (tăng 8,6%), xuất khẩu gạo 190 triệu USD (tăng 13,4%)…
Các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được triển khai minh bạch, đầy đủ và kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, an ninh trong dân tộc, tôn giáo được đảm bảo.
Chỉ số cải cách hành chính tăng, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tỉnh Sóc Trăng phải đối diện những khó khăn nào?
- Trước tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kinh phí… phục vụ công tác phòng, chống dịch của tỉnh hiện nay rất khó khăn.
Các cơ sở điều trị có thời điểm đã vượt quá khả năng, cơ sở điều trị chủ yếu là các bệnh viện dã chiến; nhân lực, nhất là đội ngũ y, bác sĩ hồi sức tích cực đang thiếu; trang thiết bị y tế, vật tư sinh phẩm cũng còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu xét nghiệm, điều trị Covid-19.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân, người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng có khoảng 50.000 lao động đi làm ăn xa trở về địa phương, đang đặt ra nhiều vấn đề về an sinh, giải quyết việc làm.
- Trước những thách thức trên, tỉnh sẽ có những giải pháp trọng tâm nào trong năm 2022 để thực hiện tốt mục tiêu kép?
- Trong năm 2022, tỉnh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng của ngươi dân là trên hết, trước hết; phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; xác định việc thực hiện tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là đặc biệt quan trọng; tiếp tục thực hiện yêu cầu 5K, đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng công nghệ và đề cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong phòng, chống dịch.
Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế; chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của y tế dự phòng, y tế cộng đồng, y tế cơ sở, trạm y tế lưu động; nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị, nhất là ở cấp cơ sở; kiên quyết giảm số ca mắc, số ca chuyển nặng, tử vong.
Bên cạnh đó, chúng tôi quyết tâm tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh ủy, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, vai trò tham mưu của các sở, ngành cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động đi làm ăn xa trở về địa phương; đẩy mạnh giảm nghèo đa chiều, bền vững.
- Xin cảm ơn ông.