Soi “sức khỏe” cổ phiếu các ngành

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, ông ĐÀO PHÚC TƯỜNG, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý Quỹ APS (Singapore), đã phân tích về cổ phiếu (CP) một số nhóm ngành có tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2019.
CP ngành ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư tại Việt Nam.
CP ngành ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư tại Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông nhóm ngành nào hiện được đánh giá có CP tăng trưởng tốt?
Ông ĐÀO PHÚC TƯỜNG: - Nếu chúng ta nhìn vào GDP tăng trưởng từ đầu năm đến nay, sẽ thấy có 2 ngành giúp tốc độ tăng trưởng GDP bền vững hơn là ngành ngân hàng (NH) và khai khoáng. Trong đó, CP ngành NH vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư tại Việt Nam.
Ngành khai khoáng chủ yếu là dầu khí, từ đầu năm 2019 đến nay không có tăng trưởng mà còn bị giảm tốc. Song tốc độ giảm của ngành này cũng chậm hơn so với tốc độ giảm của năm ngoái, và có thể nói nó vẫn là bệ đỡ cho GDP.
Còn lại tất cả ngành khác trong quý I đều tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu quan sát động lực tăng trưởng thông qua việc các công ty niêm yết ở trên sàn, có lẽ chỉ ngành NH còn có tăng trưởng trong năm nay, dù tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn nhiều so với năm ngoái. 
Còn các ngành khác, theo số liệu phân tích và đánh giá từ kế hoạch của các doanh nghiệp cũng như của các công ty chứng khoán, tôi cho rằng những con số này khá lạc quan, nhưng tốc độ giảm tốc tăng trưởng sẽ hết quý III, tức doanh thu và lợi nhuận sẽ theo đà giảm. Như vậy để chọn một ngành tăng trưởng tốt và có thể đầu tư CP được đó là khối NH. Bài toán ở đây chỉ là chọn CP, không chọn về ngành, vì mỗi ngành đều có câu chuyện riêng của nó.
- Ông nhận định thế nào về khả năng tăng trưởng của nhóm CP bất động sản (BĐS) trong năm nay?
- Khi phân tích đánh giá về BĐS nói chung và CP nói riêng, tôi thường nhìn vào 3 yếu tố: nguồn cung, nguồn cầu và nguồn vốn BĐS. Nhìn vào nguồn cung BĐS đã giảm tốc kể từ quý II-2018 đến nay, dù nhiều dự án đã được chuẩn bị, nhưng chưa nhìn thấy sự tăng trưởng trở lại của các dự án BĐS trong thời gian tới, trừ các dự án của các tập đoàn lớn, nhưng số này rất ít.
Về nguồn cầu BĐS, có nhóm tôi theo dõi từ đầu năm ngoái đến nay là giai đoạn 2017-2018 có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài lớn, đặc biệt các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhưng cầu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ là ngắn hạn, vì họ sẽ sớm bán lại. Điều này đặt ra vấn đề nguồn cầu BĐS của nhà đầu tư nước ngoài kéo dài được bao lâu. Bởi lẽ, nguồn này có nhiều hay không, đủ để duy trì nguồn cầu BĐS ở Việt Nam trong bao lâu, vẫn đang là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ. 
Trong khi đó, nguồn cầu trong nước đa số lại là đầu cơ, còn cầu đầu tư nhà ở, ngay cả với phân khúc cấp thấp cũng không quá nhiều. Dựa trên chính sách của NH hiện nay đối với BĐS, tôi cho rằng nguồn vốn cho BĐS không còn nhiều.
Nếu NHNN vẫn kiên định với mục tiêu ổn định hệ thống NH và dùng vốn NH cho vay đầu tư dài hạn hay kiểm soát chặt dòng vốn vào BĐS mang tính chất đầu cơ, nguồn vốn thực tế dành cho BĐS hiện nay không còn đáng kể. Điều này dẫn đến thanh khoản thị trường BĐS sẽ gặp khó khăn lớn. 
Hiện nay cũng có dự báo thanh khoản của thị trường BĐS thời gian tới sẽ không còn tốt. Theo tôi, thị trường BĐS hiện đã đi vào vùng đỉnh của 1 chu kỳ BĐS. Nhưng dưới góc độ CP BĐS, tôi không chú ý nhiều đến lợi nhuận mà nhìn vào dòng tiền của  doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là room vào phần “lương khô”, tức nhóm tiền khách hàng trả trước cho doanh nghiệp đó có còn hay không.
- Về khả năng tăng trưởng của CP nhóm ngành dầu khí và dệt may ra sao, thưa ông?
- Về CP ngành dầu khí, chúng ta đang nhìn vào việc ngành này sẽ mở rộng đầu tư vào các dự án lớn. Dưới góc nhìn đầu tư, từ cuối năm 2018 đã có một số kỳ vọng vào một số dự án lớn, do đó giá CP dầu khí hiện nay được cho có tăng trưởng và thanh khoản tốt. Nhưng cũng tại thời điểm này, nên đặt ra câu hỏi có nên đầu tư hay đầu cơ CP dầu khí?
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc các dự án lớn ngành dầu khí dự định triển khai có thành sự thực hay không. Thời điểm cuối năm nay sẽ rõ. Còn nếu căn cứ vào thực trạng hiện nay, tăng trưởng lợi nhuận thực tế là không có, vì tăng trưởng CP dầu khí hiện nay dựa vào kỳ vọng tương lai. Nếu các dự án lớn của ngành dầu khí không triển khai cần thận trọng với CP dầu khí.
Đối với ngành dệt may, hiện nay đang có sự nỗ lực rất lớn. CP ngành dệt may từ quý IV-2018 đến nay đã có sự tăng trưởng tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu chú ý đến công suất hoạt động của doanh nghiệp dệt may hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng còn công suất để tăng trưởng.
Đơn cử, muốn mở một xưởng dệt may cần 500-700 lao động, đi kèm với đó là nhà xưởng, đào tạo kỹ năng… Với công suất hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang ở vùng đỉnh. Khi theo dõi các doanh nghiệp dệt may lớn, tôi thấy gần như đã chạy hết công suất.
Hiện nay CP của ngành dệt may cũng đang rất tốt, nhưng ngành dệt may đã chạm đỉnh. Thực tế, CP ngành dệt may trên sàn không có nhiều, chủ yếu lại là CP đầu cơ. Do đó, nếu không có sự chọn lọc vẫn theo đuổi đầu tư vào CP dệt may ở những doanh nghiệp không còn công suất, có thể sẽ gặp rủi ro.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác