Chưa bao giờ vấn đề đầu tư công được đưa ra “mổ xẻ” trước Quốc hội mạnh mẽ như kỳ họp lần này. Có điều, càng mổ xẻ, càng thấy những bất ổn khi chúng ta ồ ạt đầu tư công theo kiểu dàn trải, thiếu trọng tâm nên hiệu quả thấp, gây lãng phí và nhiều bất ổn.
Quốc lộ 27B chưa nghiệm thu đã hỏng. |
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 9 tháng năm 2011 là 131.364 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Nghịch lý là dù nguồn vốn cho đầu tư công tăng nhưng tình trạng dự án chậm tiến độ vẫn rất phổ biến, dẫn đến vốn bị đội lên.
Vậy mà đến thời điểm hiện tại, các bộ, ngành và địa phương đã gửi danh mục dự án đầu tư công năm 2012 về Bộ Kế hoạch-Đầu tư với tổng số tiền lên tới 300 tỷ USD. Với nền kinh tế quy mô chỉ hơn 105 tỷ USD, chúng ta phải làm trong 3 năm mới đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư của 1 năm.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các địa phương lại đua nhau xin dự án đầu tư công, trong khi nhiều dự án thời gian qua không hiệu quả, quản lý yếu kém, gây lãng phí... nhưng không ai nói đến trách nhiệm?
Xin nêu vài thí dụ: Năm 2007, giai đoạn 1 dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được phê duyệt với vốn đầu tư 3.126 tỷ đồng. 2 năm sau, khi khởi công vào ngày 31-10-2009 (chủ đầu tư là Tổng công ty Hàng hải - Vinalines) công bố tổng vốn đầu tư 6.177,6 tỷ đồng. Việc đội vốn lên 3.051,6 tỷ đồng đã gây ra nhiều bất đồng trong quá trình triển khai dự án. Chỉ riêng giá gói thầu 6B được phê duyệt (năm 2007) là 1.073 tỷ đồng.
Một năm sau, mức giá này được điều chỉnh lên 3.588 tỷ đồng và đến tháng 9-2009 con số này tiếp tục được điều chỉnh 4.340 tỷ đồng. Như vậy, dự toán gói thầu này đã tăng 405% so với dự toán ban đầu. Đến nay, dự án đang ngưng trệ vì thay đổi thiết kế sau 2 năm khởi động. Hàng trăm tỷ đồng đã đổ vào xây dựng theo thiết kế cũ xem như bỏ đi, còn dự án vẫn nằm trên giấy.
Theo chủ đầu tư, nếu khởi động lại dự án cần thêm ít nhất khoảng 3.000 tỷ đồng. Mỗi năm chúng ta thất thu hàng tỷ USD vì không có cảng trung chuyển quốc tế. Riêng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, khi không khai thác được, mỗi năm sẽ mất khoảng 160 triệu USD. Nếu số tiền này không lãng phí, chúng ta có thể đem tái đầu tư mà không cần cắt giảm đầu tư công.
Địa bàn tỉnh Ninh Thuận có nhiều dự án đầu tư công bộc lộ những bất ổn. Như dự án Quốc lộ 27 từ Ninh Thuận đi Lâm Đồng được đầu tư xây dựng với số vốn 1.000 tỷ đồng. Đã 4 năm nay dự án chưa triển khai được gì ngoài để lại… ổ voi, ổ gà tràn lan trên mặt đường. Trước đây, từ Phan Rang - Tháp Chàm đi Đà Lạt (Lâm Đồng) mất 3 giờ nhưng sau khi được làm đường người dân phải đi mất 4 giờ.
Đó là chưa kể tần suất các vụ tai nạn giao thông đang tăng mạnh. Một điển hình khác, tháng 7-1999, Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt dự án nâng cấp Quốc lộ 27B (nối huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận - TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) với tổng mức đầu tư trên 146 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2006. Nhưng đến nay, dù dự án đã nhiều lần thay đổi thiết kế, vốn đầu tư nâng lên 355 tỷ đồng nhưng vẫn chưa xong. Đầu năm 2010, 3/5 gói thầu cuối cùng của dự án này chuẩn bị nghiệm thu thì mặt đường bị bong, tróc gần hết.
Dư luận đang tập trung nhiều sự chú ý đến tân Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng vì đây là nơi tiêu tốn ngân sách đầu tư công hàng đầu. Mới đây, ông Thăng đề nghị được sử dụng 40.000 tỷ đồng để giải quyết các công trình trọng yếu của giao thông, trong đó xây dựng hơn 550 cây cầu yếu.
Đồng tình với Bộ trưởng Thăng, nhưng đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM Trần Du Lịch đưa ra các điều kiện: Ngành giao thông phải mạnh tay chống tiêu cực trong xây dựng, không để xảy ra vụ việc như PMU, PCI gây mất niềm tin; cần nâng cao năng lực quản trị dự án nguồn nhân lực, nếu chậm trễ cần xử lý nghiêm.
Chúng ta không thiếu tiền và cũng không thể dừng các công trình công. Nhưng không thể kéo dài mãi tình trạng thi công lãng phí, kéo dài thời gian khiến vốn đầu tư đội lên mà chất lượng vẫn không đảm bảo. Đến lúc phải nghĩ đến “văn hóa” tự nhận trách nhiệm thay vì “văn hóa đi xin” dự án như lâu nay.