Tỷ phú tự thân
Strive Masiyiwa sinh ngày 29-1-1961 tại Zimbabwe (lúc đó là Nam Rhodesia), nhưng do chiến tranh loạn lạc, gia đình ông chuyển đến Zambia. Năm 12 tuổi Masiyiwa được gia đình cho sang học tại một trường trung học tư thục ở thị trấn Edinburg, Scotland.
Sự nghiệp của Masiyiwa là bằng chứng cho thấy thành công của doanh nhân không chỉ tạo ra sự giàu có cho cá nhân, còn tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của mọi người. |
Sau khi tốt nghiệp đại học, Strive Masiyiwa làm việc trong ngành công nghệ ở Cambridge, Anh. Năm 1984, ông trở lại đất nước Zimbabwe mới độc lập, với mong muốn góp phần xây dựng lại quê hương. Ông được tuyển dụng như một kỹ sư cao cấp tại Công ty Bưu chính Viễn thông (PTC) của Zimbabwe. Nhờ giỏi giang, thông minh và siêng năng, Strive nhanh chóng được đề bạt làm kỹ sư chính của công ty chỉ sau thời gian ngắn.
Mặc dù sự nghiệp thăng tiến, nhưng những nỗ lực của Masiyiwa lại bị xáo trộn bởi các thủ tục hành chính, điều này không ngừng cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp. Vào năm 1988, ông rời PTC để thành lập công ty riêng Retrofit Engineering, với vốn khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn 75USD. Thời điểm đó, ngành công nghiệp xây dựng ở Zimbabwe đang bùng nổ, công ty của Masiyiwa nhanh chóng ăn nên làm ra. Đến năm 1993, Retrofit Engineering trở thành một công ty kỹ thuật hàng đầu trong nước.
Chiến đấu với độc quyền nhà nước
Sau khi xây dựng được đế chế hùng mạnh trong ngành điện năng, Masiyiwa bắt đầu với ý tưởng mới. Ông thấy rằng dù đã vào những năm cuối của thế kỷ 20, nhưng hầu hết người dân châu Phi không biết về viễn thông di động. Một số người thậm chí chưa bao giờ nghe tiếng chuông điện thoại di động.
Trong thế giới không ngừng tiến bộ về công nghệ, rõ ràng đây là sự lạc hậu rất lớn. Masiyiwa tin rằng người dân cần được cung cấp và sử dụng điện thoại di động để đưa đất nước sang thời đại công nghệ mới. Vì vậy, ông bắt đầu hành trình hướng tới việc thành lập dịch vụ vận hành viễn thông di động ở Zimbabwe.
Năm 1994, Strive Masiyiwa đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh và tiếp cận CEO của Standard Chartered Merchant Bank, TS. Nkosana Moyothe. Ông trình bày ý tưởng của mình cho Moyothe và yêu cầu cần khoản vay để tài trợ cho ý tưởng đó. Ngay lập tức, ý tưởng của Masiyiwa đã chinh phục Moyothe, khiến ông đồng ý cung cấp cho Masiyiwa khoản vay cần thiết. Với số vốn đó, Masiyiwa quay lại công ty cũ là PTC để mời hợp tác thành lập công ty viễn thông di động. Theo đề xuất, PTC sẽ sở hữu 51% cổ phần, Masiyiwa nắm 49% cổ phần. Nhưng chủ cũ của Masiyiwa chỉ xem sơ qua ý tưởng kinh doanh của ông rồi vứt xó. Họ tin rằng PTC đã và sẽ luôn là tập đoàn viễn thông hàng đầu ở Zimbabwe. Họ cho rằng viễn thông di động chỉ là giai đoạn tạm thời và mọi người sẽ trở lại truyền thống nhanh chóng. Sau đó, đơn xin cấp giấy phép kinh doanh của Masiyiwa đã bị từ chối.
Nhưng Strive Masiyiwa không phải người dễ dàng chấp nhận thất bại. Gáo nước lạnh của PTC và chính phủ Zimbabwe chỉ làm Masiyiwa thêm quyết tâm đạt được điều gì đó mang lại sự thay đổi tuyệt vời cho Zimbabwe. Ông bắt đầu một cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm với chính phủ Zimbabwe. Cho đến ngày nay, mọi người vẫn mô tả nó như trận chiến giữa David và Goliath. Cuối cùng nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, “chàng David tí hon” Masiyiwa đã đánh bại “gã khổng lồ Goliath” chính phủ. Vào năm 1998, Tòa án Hiến pháp của Zimbabwe đã trao cho Strive Masiyiwa giấy phép thành lập và vận hành một dịch vụ viễn thông di động ở Zimbabwe.
Chiến thắng của Masiyiwa đã chấm dứt sự độc quyền của chính phủ đối với ngành công nghiệp viễn thông, mở ra kỷ nguyên của các công ty viễn thông thuộc sở hữu tư nhân. Ngay sau đó, Strive Masiyiwa đã thành lập Công ty Econet Wireless Zimbabwe. Trong khoảng 12 năm, ông đã chứng minh PTC sai và Econet Wireless trở thành công ty viễn thông di động hàng đầu tại Zimbabwe. Dù vậy, vào tháng 3-2000, Masiyiwa vẫn rời Zimbabwe để chuyển công ty đến Nam Phi kinh doanh nhằm tránh những rắc rối không đáng có về pháp lý. Đến Nam Phi, ông thành lập Tập đoàn Econet Wireless. Tuy nhiên, công ty không có kết nối với Econet Wireless ở Zimbabwe. Kể từ đây, ông Masiyiwa bắt đầu gây dựng đế chế mới của mình, chỉ trong 10 năm hoạt động, Tập đoàn Econet đã lan ra hơn 20 thị trường, bao gồm Anh, Trung Quốc, Nam Mỹ, UAE, New Zealand, châu Âu và khắp châu Phi.
Dù đã rời khỏi Zimbabwe nhưng tầm ảnh hưởng của Econet ngày càng lan rộng. Cuối năm 2005, Econet đã phát triển mô hình thanh toán trực tuyến, chuyển tiền qua điện thoại, giúp các tổ chức phi chính phủ chuyển khoản cho những người chạy nạn do chiến tranh. Kể từ đây, mô hình thương mại điện tử của Econet bùng nổ dữ dội, khi các nhà hảo tâm và tổ chức xã hội tìm thấy lựa chọn mới cho việc giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh. Hơn nữa, việc thiếu đồng USD cho thanh toán cũng như các đồng tiền mệnh giá nhỏ khiến người dân gặp nhiều khó khăn, càng làm hệ thống chuyển tiền trực tuyến trở thành giải pháp đầy thu hút.
Không chỉ bó hẹp trong phạm vi phát triển mạng viễn thông di động, các công ty Econet còn có cổ phần bao gồm các dịch vụ tài chính, năng lượng tái tạo, mạng doanh nghiệp và phương tiện truyền thông.
Mục tiêu sống: Luôn vì mọi người
Mục tiêu sống: Luôn vì mọi người
Không chỉ giàu có và nổi tiếng, Masiyiwa còn được biết đến với triết lý sống vì mọi người và là một trong những tỷ phú châu Phi hào phóng nhất. Ông dùng hoạt động từ thiện như một phương tiện để nâng đỡ những người khác. Masiyiwa đã xây dựng chương trình hỗ trợ giáo dục đáng chú ý cho trẻ mồ côi châu Phi. Đến nay, hơn 40.000 trẻ em đã được hưởng lợi từ nền tảng gia đình Masiyiwa. Ông cũng là thành viên của tổ chức từ thiện Giving Pledge, sáng lập bởi vợ chồng Bill Gates. Masiyiwa cùng vợ đã tạo ra quỹ dành cho những đứa trẻ mồ côi ở Burundi, Nam Phi, Lesentine và Zimbabwe.
Ngoài ra, Masiyiwa còn tham gia hàng loạt tổ chức, hoạt động từ thiện khác. Bản thân ông là đồng chủ tịch của Grow Africa, tổ chức với 15 tỷ USD chuyên đầu tư cho nông nghiệp ở châu Phi. Các chương trình y tế và các chiến dịch chống Ebola, ung thư cổ tử cung, phòng chống HIV/AIDS đã có sự hỗ trợ quý giá của Masiyiwa. Ông cũng hợp tác với Sir Richard Branson để thiết lập phòng Carbon War, chống lại biến đổi khí hậu.
Nhờ những đóng góp không mệt mỏi, nhà tỷ phú châu Phi nhận được vô vàn những bằng khen. Năm 1998, Strive Masiyiwa được World Junior Chambers of Commerce bình chọn là một trong 10 nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc nhất thế giới. Năm 2014, Tạp chí Fortune đưa ông vào top 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Năm 2015, Forbes đưa ông vào danh sách 10 người đàn ông quyền lực nhất châu Phi. Năm 2017, ông được tạp chí Fortune xếp hạng 33 trong danh sách những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới...