Sửa luật mới phát huy nguồn lực đất đai

(ĐTTCO) - Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Sửa luật mới phát huy nguồn lực đất đai
Trọng tâm trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay, đặc biệt những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất…
Bởi lẽ chính sách về đất đai hiện hành, bên cạnh những mặt tích cực về cơ chế, vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Không phải ngẫu nhiên thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. 
Tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động chủ yếu như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không đúng mục đích, không qua đấu giá, không theo quy hoạch…); thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (không đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhà đầu tư; chậm trễ trong trả tiền đền bù…); quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (vi phạm trong việc xác định giá trị đất đai trước khi cổ phần hóa; chuyển mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hóa)...
Như trong vấn đề thu hồi đất, theo TS. Nguyễn Đắc Nhẫn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai, Luật Đất đai năm 2013 chưa làm rõ được giới hạn “thật cần thiết” đã chỉ ra trong Hiến pháp, nhằm bảo đảm minh bạch. Trong khi, phạm vi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng còn rộng; chưa có quy định mang tính tiêu chí đối với các công trình, dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều đó đã dẫn đến những tranh cãi về mục đích dự án, dễ bị lạm dụng và gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận của công trình kết cấu hạ tầng chưa được quy định là một dự án để làm căn cứ thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội; chưa có quy định cụ thể về tổ chức được giao thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất… Do vậy, Nhà nước chưa điều tiết được giá trị tăng lên từ đất do đầu tư hạ tầng để tăng nguồn thu cho ngân sách, chưa bảo đảm công bằng giữa những người bị thu hồi đất và không bảo đảm mỹ quan đô thị.
Mặt khác, cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa thực sự đảm bảo được dân chủ, công khai, khách quan và công bằng. Giá đất tính tiền bồi thường vẫn mang tính áp đặt và được phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định với những tiêu chí định tính không rõ ràng, dẫn đến mức giá bồi thường trên thực tế không đảm bảo yêu cầu phù hợp giá thị trường, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, việc hoàn thiện pháp luật về đất đai, mà chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan, cần theo hướng đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp và các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu; đảm bảo quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường; tránh dự án giao sau đó thành dự án treo, làm lãng phí nguồn lực...
Trong đó, phải tăng cường công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất đai, nhất là về đăng ký tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia, kiểm soát tài sản…

Các tin khác