Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị sửa các quy định của luật liên quan tới các tranh chấp tiêu dùng có yếu tố nước ngoài hoặc xuyên biên giới; bổ sung điều khoản bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử...
Đặc biệt, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi luật để tạo cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với một số nhóm có hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Bộ này cũng đề xuất tạo cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để mọi người có thể chia sẻ, khai thác thông tin.
Những đề xuất của Bộ Công Thương đều rất hợp lý trong bối cảnh thương mại đang có nhiều biến đổi như hiện nay. Khi người tiêu dùng tăng cường mua sắm online, thậm chí mua online xuyên biên giới, thì những vụ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng tinh vi và quy mô hơn, nên việc mở rộng quy định xử phạt cũng như xử phạt mạnh tay là rất cần thiết.
Song, nếu luật được sửa theo như kiến nghị của Bộ Công Thương, liệu người tiêu dùng có thể an tâm thực sự hay chưa vẫn còn là một câu hỏi lớn, bởi những vướng mắc cũ vẫn còn hiển hiện.
Đơn cử luật có nhưng người thực thi luật có sát sao, tích cực và thực hiện nghiêm túc luật hay không vẫn chưa thể trả lời ngay. Đó là chưa kể nhiều người tiêu dùng, nhất là ở các tỉnh/thành xa còn không nắm rõ các quyền lợi cơ bản của mình trong luật do không được phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, không được trang bị kỹ năng để có thể thực hiện quyền bảo vệ chính mình. Tại nhiều địa phương có khi còn chưa công bố rộng rãi những kênh hỗ trợ người tiêu dùng khi cần khiếu nại.
Đã vậy, các thủ tục khiếu nại vẫn còn rườm rà, phức tạp khiến phần nhiều người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi dễ dàng bỏ qua vì không muốn tốn thêm thời gian, công sức đi khiếu kiện, xác thực việc bị vi phạm quyền lợi ra sao... Tất cả đẩy người tiêu dùng vào thế thiệt thòi dù có luật bảo vệ họ, và càng làm cho những đơn vị làm hàng gian, hàng giả, kém chất lượng lại càng được thể lộng hành.
Vai trò của các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh/thành cho đến nay vẫn còn khá mờ nhạt, họ thường không chủ động trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nên lâu dần người tiêu dùng cũng mất niềm tin.
Những số liệu thống kê về số lượng các vụ khiếu nại gửi tới Bộ Công Thương năm sau luôn cao hơn năm trước, đến nay mỗi năm Bộ Công Thương giải quyết từ 1.000-1.500 vụ việc, song con số này vẫn rất ít so với thực tế giao dịch mua bán trên thị trường.
Vì thế, để luật thực sự đi vào cuộc sống, thực sự bảo vệ được người tiêu dùng, cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng, những người thực thi luật. Phải từng bước đơn giản hóa các thủ tục trong khiếu nại để người tiêu dùng không còn quá e dè, “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi bị xâm phạm quyền lợi.
Đặc biệt, phải tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được mình được bảo vệ và những cơ quan bảo vệ mình ở địa phương, trung ương là đâu, đầu mối liên hệ như thế nào… Tất nhiên, vai trò không thể thiếu nữa là của chính những người tiêu dùng.
Đã đến lúc mỗi người tiêu dùng phải nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi bị xâm phạm. Phải biết tìm hiểu pháp luật, loại bỏ tâm lý ngại va chạm, ngại lên tiếng. Việc đồng hành cùng cơ quan chức năng không chỉ giúp loại bỏ những đối tượng làm ăn, kinh doanh gian dối, mà còn hỗ trợ cho các DN làm ăn chân chính có thể phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.