ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (VASEP) xung quanh thành tích ấn tượng của năm 2017.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, những nguyên nhân nào giúp thủy sản có được kết quả XK ấn tượng, vượt qua dự báo hồi đầu năm?
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: - Theo ước tính của VASEP năm 2017 ngành thủy sản mang về 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016. Trong đó XK tôm duy trì tăng trưởng khá ổn định ở mức trên 21%, dự kiến sẽ đạt 3,8 tỷ USD. XK cá tra ước đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm 2016. XK cá ngừ và mực, bạch tuộc đều có khả năng chạm mức gần 600 triệu USD, tăng lần lượt 16% và 42% so với năm 2016. XK các loại cá biển ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần 17%. Các sản phẩm khác đều tăng trưởng mạnh, trừ XK cua ghẹ giảm gần 6%.
Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ để nằm trong top thị trường nhập khẩu (NK) cá tra và tôm của Việt Nam. Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị NK 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu các thị trường NK cá tra, và là thị trường NK tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản với giá trị NK tôm 677 trệu USD, tăng trên 60% so với năm 2016. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho DN thủy sản trong thời gian tới, khi XK sang EU và Hoa Kỳ gặp trở ngại về thuế chống bán phá giá (CBPG) và rào cản kỹ thuật.
Năm 2017 con tôm đóng góp rất lớn cho kim ngạch XK.
Nhìn lại năm 2017, những tháng đầu năm trước nhiều diễn biến khó lường của thị trường, nên VASEP đưa ra dự báo tương đối dè dặt cho toàn ngành. Song trong năm qua đạt được những kết quả ấn tượng như trên nhờ những yếu tố như: sự trở lại của thị trường EU với sản phẩm tôm, do Việt Nam đã từng bước khắc phục được vấn đề về dư lượng kháng sinh, tạo yên tâm cho nhà NK và người tiêu dùng.
Nguồn cung của một số nước như Ấn Độ, Thái Lan giảm sút cũng tạo điều kiện cho tôm Việt Nam tăng trưởng tốt. Ngoài ra, mức tăng giá khoảng 10% trong năm 2017 cũng là yếu tố tác động đến tăng trưởng kim ngạch. Cùng với đó các sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam cũng đang ngày càng nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Năm nay con tôm có đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch của toàn ngành.
- 8,3 tỷ USD là một kết quả ấn tượng, nhưng nhắc lại năm 2017 không thể bỏ qua những khó khăn mà toàn ngành đang gặp phải?
- Đúng như vậy, năm 2017 là một năm có nhiều khó khăn, thử thách cho toàn ngành thủy sản của Việt Nam, nhất là tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ. Riêng thị trường EU như tôi có phân tích ở trên, tuy có sự trở lại tốt với sản phẩm tôm, tuy nhiên cá tra lại gặp nhiều thách thức.
Ngay từ đầu năm là câu chuyện truyền thông bẩn liên quan đến con cá tra Việt Nam, mặc dù phía Việt Nam từ các bộ ngành, hiệp hội đến DN đã rất tích cực để cải chính thông tin này, cũng như cải thiện hình ảnh của con cá tra Việt Nam tại cả khu vực, nhất là một số quốc gia như Tây Ban Nha, Anh nhưng XK cá tra vẫn bị sụt giảm.
Cũng tại thị trường EU, ngành hải sản Việt Nam còn đối mặt với thẻ vàng IUU. Điều này cũng gây bất ổn cho hải sản trong 2 tháng cuối năm. Song cũng như khi gặp các vấn đề khác, phía Việt Nam cũng đang tích cực, chủ động trong việc giành lại thẻ xanh IUU.
Riêng tại thị trường Hoa Kỳ trong năm 2017 đưa ra nhiều rào cản với các sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam, như rào cản về thuế CBPG, chương trình thanh tra cá da trơn. Những rào cản khiến XK tôm và cá tra sang thị trường này đều giảm. Cụ thể cá tra giảm khoảng 10% và tôm giảm khoảng 7,5%.
- Năm 2017, Trung Quốc tiếp tục là thị trường NK tôm và cá tra lớn của Việt Nam, vậy khi làm ăn với thị trường này DN có còn gặp nhiều rủi ro hay không, thưa ông?
- Với thị trường này các DN vẫn phải hết sức cẩn trọng khi tiếp cận, không nên bán bằng bất cứ giá nào để hạn chế rủi ro trong thanh toán, nhất là khi bán hàng qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, trong năm 2017 cũng bắt đầu có những tín hiệu tốt hơn khi các DN bắt đầu chuyển dần qua buôn bán chính ngạch với thị trường Trung Quốc.
Hiện tỷ lệ này khoảng hơn 50% và đang có dấu hiệu tăng mạnh trong năm 2018, điều này sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường, làm ăn theo thông lệ quốc tế, giảm thiểu rủi ro cho DN Việt Nam.
- Khép lại năm 2017 với những kết quả khả quan, vậy năm 2018 ngành thủy sản có dự báo như thế nào?
- Ở thời điểm này tôi chưa thể đưa ra một con số cho ngành, bởi XK thủy sản như tôi phân tích phía trên còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, năm 2017 toàn ngạch đạt 8,3 tỷ USD thì năm 2018 chắc chắn sẽ phấn đấu để có thể vượt kim ngạch này.
Song tôi chỉ lưu ý 3 khuynh hướng tiếp tục phải được quan tâm trong năm 2018, và nếu các bộ ngành cùng DN chung tay sẽ mang về kết quả XK tốt: Thứ nhất, tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến hóa chất, kháng sinh. Có giải quyết triệt để khách hàng NK mới mở rộng cửa cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Thứ hai, quan tâm đến truy suất nguồn gốc, đây sẽ là yêu cầu của các thị trường NK. Muốn truy suất tốt phải tăng cường ổn định trong quy hoạch.
Thứ ba, phải chú ý đến các sản phẩm hàng hóa giá trị gia tăng cao, đáp ứng được khuynh hướng thị trường và yêu cầu của nhà NK cũng như người tiêu dùng.
- Xin cảm ơn ông.
Trước nay vẫn có những thông tin XK qua Trung Quốc thì tiêu chuẩn không khắt khe như khi sang các thị trường lớn. Tuy nhiên phải hiểu cho rõ, đã là thực phẩm ở đâu cũng yêu cầu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các vấn đề liên quan. Thị trường Trung Quốc cũng không ngoại lệ, nhất là khi DN Việt Nam chọn con đường XK chính ngạch chất lượng cũng được kiểm soát nghiêm ngặt. |