Cùng kỳ, số DN rút lui khỏi thị trường là 158.800, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 11 tháng đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng đạt 3,15 triệu tỷ đồng, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 đã không đạt, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 xem ra cũng khá khó khăn. Mật độ doanh nghiệp/1.000 dân còn rất thưa. Sức khỏe DN vẫn mong manh, trong khi môi trường kinh doanh vẫn chưa đủ “ấm áp”.
Phương châm không hình sự hóa quan hệ kinh doanh đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định nhất quán. Gần đây nhất, Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới một lần nữa khẳng định “bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế”.
Thế nhưng, cuộc giám sát của các cơ quan Quốc hội về ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới đây đã chỉ rõ tình trạng trung bình mỗi luật có 45 văn bản hướng dẫn, trong đó có 34 thông tư và 11 nghị định.
Luật không đổi, nhưng hướng dẫn thì lại thường xuyên thay đổi, thậm chí có sự xung đột giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, tạo ra những rủi ro pháp lý rất lớn đối với doanh nghiệp. Do đó, cần xem xét khoanh lại các trường hợp các bộ được ban hành thông tư; chẳng hạn chỉ được ban hành quy chuẩn.
Trong thực thi pháp luật, nguyên tắc “không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự” cần được hiểu và áp dụng thống nhất khi xử lý mọi vi phạm, tranh chấp giữa các bên theo hướng hợp đồng kinh tế, dân sự dưới mọi hình thức, quy mô đều được giải quyết thông qua tòa án hoặc trọng tài kinh tế.
Nguyên tắc này cũng cần được bản thân các nhà đầu tư, DN, hiệp hội DN quán triệt, theo đó nhận thức rõ vi phạm, tranh chấp hợp đồng là một phần tất yếu trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Do vậy, họ phải chuẩn bị giải pháp ngăn ngừa tối đa tranh chấp, bảo vệ tốt nhất có thể lợi ích của mình. Trường hợp có tranh chấp và bị thiệt hại thì khởi kiện ra tòa án kinh tế, trọng tài kinh tế.