“Nhích giá” mỗi tháng
Sáng 5-6, chị Nguyễn Thị Hoa Thanh (ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) rảo một vòng quanh chợ truyền thống gần nhà để mua trái cây, thịt, cá… sử dụng trong ngày cho gia đình 3 người .
“Món nào cũng tăng giá so với đầu năm. Lúc trước tôi chỉ bỏ ra khoảng 250.000 đồng là có thể mua được giỏ thực phẩm thiết yếu trong ngày, nhưng nay phải bỏ thêm 60.000 đồng. Chưa kể, giá sữa tươi cho con cũng tăng khoảng 10% so với cách nay 3 tháng”, chị Hoa Thanh ngán ngẩm.
Trong khi đó, anh Lê Hoài Nguyên (quê Đắk Lắk) phản ánh, lương chưa tăng nhưng đồ ăn thức uống, giá xe khách, gas… đã nhích lên. Chẳng hạn, giá vé tuyến xe khách TPHCM - Buôn Ma Thuột đầu năm 2024 từ 250.000-260.000 đồng/người, thì nay lên mức 275.000-300.000 đồng/người.
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống tại TPHCM như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Nhật Tảo (quận 10), nhiều mặt hàng đã tăng giá so với cách nay vài tháng. Ví dụ, cải bó xôi tăng giá khoảng 5.000 đồng/kg, lên mức 50.000-60.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt tăng khoảng 5.000 đồng/kg, lên mức 30.000-40.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc tăng khoảng 10.000 đồng/kg, lên mức 70.000-100.000 đồng/kg… Thịt các loại cũng tăng bình quân 10.000-15.000 đồng/kg.
Anh Phan Văn Thuận, chuyên kinh doanh nước ép trái cây trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, vài tuần nay anh không dám tăng giá bán, mặc dù một số loại trái cây bán tại chợ đầu mối Hóc Môn đã tăng cao. Chẳng hạn, cách nay 1 tháng, giá cà chua bán sỉ tại chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 8.000 đồng/kg, nhưng nay đã hơn 20.000 đồng/kg; ổi, thơm mật, dưa hấu… cũng tăng 2.000-4.000 đồng/kg, tùy mặt hàng.
“Nếu trừ đi công vận chuyển, xăng xe, chi phí thuê mặt bằng thì lợi nhuận chẳng còn là bao. Nếu giữ giá bán như cũ thì lỗ, mà tăng giá thì mất khách”, anh Phan Văn Thuận phân vân.
Theo ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM), lượng hàng rau củ quả về chợ khá ổn định. Vừa qua, một số mặt hàng như cà chua, xà lách Đà Lạt (Lâm Đồng) tăng giá do vùng trồng tại Đà Lạt bị đứt lứa, khiến sản lượng giảm; một số loại rau ăn lá bị ảnh hưởng bởi thời tiết…
Trợ lực để kích cầu tiêu dùng
Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm “leo thang” đã tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của tiểu thương tại chợ truyền thống, các cửa hàng bán lẻ… do sức mua sụt giảm.
Vì vậy, cách nay vài ngày, Ban Quản lý chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) đã phối hợp đơn vị lữ hành Chim Cánh Cụt tổ chức tập huấn cho bà con tiểu thương trong việc đón khách tham quan. Mục tiêu hướng đến gia tăng mãi lực, kích cầu tiêu dùng. Trước đó, một số chợ khác tại TPHCM như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5) cũng có các chương trình tập huấn cho bà con bán hàng thông qua các trang mạng xã hội, rèn luyện kỹ năng ứng xử khi tiếp đón khách hàng.
Khách hàng chọn mua hàng khuyến mãi, giảm giá tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: TRUNG KIÊN
Chị Thúy Mai, tiểu thương ở chợ Bình Tây (quận 6) cho biết, sau buổi tập huấn, người kinh doanh có thêm kỹ năng trong việc tiếp đón khách, kể cả khách du lịch quốc tế. Một số tiểu thương cũng chia sẻ, hiện khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn, nên người bán phải quan tâm đến “thượng đế” kỹ hơn.
Do vậy, nhằm kích cầu tiêu dùng, một số mặt hàng bán tại chợ Bình Tây, Bến Thành được tiểu thương giảm giá từ 5-20% (tùy món), hoặc tặng kèm quà lưu niệm nếu hóa đơn mua hàng từ 1 triệu đồng trở lên. Với các chợ truyền thống ở khu vực vùng ven, quy mô nhỏ, tiểu thương tặng kèm hành, ngò… khi khách mua thực phẩm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đánh giá, sở luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành trong việc giám sát tình trạng tăng giá đột biến tại các chợ lẻ, cửa hàng. Nhìn chung, giá hàng hóa ở chợ lẻ ảnh hưởng bởi nguồn cung trong ngày và được tiểu thương điều chỉnh linh hoạt hàng giờ. Ngành công thương thành phố cũng đang phối hợp các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ hiện đại cung ứng hàng hóa giá tốt, nhiều ưu đãi, bình ổn thị trường nhằm trợ lực cho người tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 458.049 tỷ đồng
Doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn TPHCM trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng, hàng hóa dồi dào, đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 93.240 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 458.049 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.