Đồng euro đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua khi tiếp tục tiến gần về "ranh giới" ngang giá với đồng USD, giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái.
Đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống chỉ còn 1,00036 USD đổi 1 euro vào sáng 12/7, giảm 12% so với hồi đầu năm. Trong bối cảnh đó, dù dệt may, da giày của Việt Nam được xem là những ngành hàng có tỷ lệ xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu, nhưng theo đánh giá của doanh nghiệp, việc đồng euro mất giá không tác động nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình.
Theo chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu sang thị trường châu Âu nhưng chủ yếu giao dịch bằng đồng USD. Do vậy, việc đồng euro mất giá không có quá nhiều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Lefaso, xuất khẩu giày dép, túi xách; trong đó có giày thể thao-mặt hàng thế mạnh thời gian qua tăng trưởng rất đáng kể khi vào EU, dù tỷ giá đồng euro giảm.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD và tăng trưởng 13%; tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chiếm khoảng chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, để tiếp tục tăng trưởng mức xuất khẩu vào thị trường này, ngoài những doanh nghiệp lớn đã có sẵn công nghệ, đơn hàng thì cần tập trung cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp này là yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tính an toàn, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về an toàn khi xuất khẩu vào châu Âu.
Để làm được việc này, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho công nghệ. Thứ hai nữa là đáp ứng tiêu chuẩn về phát triển bền vững với môi trường và người lao động; trong đó, doanh nghiệp phải tuân thủ tốt các quyền lợi và nghĩa vụ với người lao động, đồng thời hướng tới sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ xanh để không gây ảnh hưởng tới môi trường.
Như hiện nay, các nhà máy cần đáp ứng chứng chỉ xanh để hướng ra xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thay đổi để thích ứng.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào gia tăng suốt thời gian qua, trong khi giá bán đầu ra không thay đổi khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong cân đối tài chính. Các doanh nghiệp cần thay đổi cung cách quản lý để tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu.
Cũng theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, trong các hoạt động giao thương với thị trường châu Âu, doanh nghiệp này chủ yếu giao dịch bằng đồng USD, chỉ một số rất ít đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu, vật tư mới dùng đồng euro, do vậy, gần như biến động mất giá của đồng euro không gây ra ảnh hưởng, khó khăn gì cho doanh nghiệp.
Thông tin từ các ngành hàng, hiện nay cơ hội để xuất khẩu vào châu Âu là rất lớn. Tuy nhiên, tình hình nhân công cũng đang là thách thức của các doanh nghiệp.
Để thu hút lao động, doanh nghiệp phải tăng lương nhưng dù vậy nguồn lao động vẫn còn khan hiếm. Bên cạnh đó, chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao, tình trạng khan hiếm do Trung Quốc thực hiện chính sách "Không COVID," chi phí logistics tăng...cũng đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng 15-20%,
Theo nhận định của ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, với một số doanh nghiệp, ngành hàng, việc đồng euro giảm giá có thể sẽ không tác động nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của họ.
Tuy nhiên, nhận định chung, giá sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu ở nhiều ngành hàng khác có thể trở nên cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam ở thị trường này.
Những tác động này có thể chưa bộc lộ rõ ràng ngay tại thời điểm này nhưng khi giá cả tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường này.
Theo đánh giá từ các chuyên gia thương mại, việc đồng euro mất giá mạnh cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế.
Khi đồng euro tiếp tục xuống thấp gần bằng đồng USD thì tất nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải chịu bất lợi hơn so với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khi thanh toán bằng đồng euro.
Tính đến ngày 12/7, đồng euro đã giảm 12% so với hồi đầu năm. Châu Âu đang phải hứng chịu cuộc hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua, hệ quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine, và điều này có thể dẫn đến một cuộc suy thoái sâu và kéo dài.
Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của đồng euro là những quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, đặc biệt khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu bắt đầu tạm ngừng vận hành từ ngày 11/7 để bảo trì định kỳ.
Bối cảnh đó đặt ECB vào tình thế khó khăn khi vừa phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, vừa phải nâng đỡ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, với kế hoạch tăng lãi suất đi vay lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thúc đẩy việc tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Điều này làm cho lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu của châu Âu, khiến các nhà đầu tư chuyển sang đồng USD và tránh xa đồng euro.
Hơn nữa, “đồng bạc xanh” được hưởng lợi từ vị thế vốn có của nó như một “thiên đường trú ẩn an toàn”, có nghĩa là khi xung đột và bất ổn càng kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế càng trở nên rõ nét hơn, đồng euro sẽ tiếp tục trượt giá...