Nội dung chi tiết của thỏa thuận cắt giảm
Sau 4 ngày đàm phán, OPEC và các đồng minh bao gồm Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng mỗi ngày - tương đương gần 10% nhu cầu dầu toàn cầu trước khủng hoảng. Một nhượng bộ cho Mexico, cho phép quốc gia này hạn chế sản xuất với tỷ lệ nhỏ hơn, có nghĩa là thỏa thuận này thấp hơn một chút so với mức 10 triệu thùng/ngày đã thỏa thuận ban đầu vào hôm 9/4.
Việc cắt giảm sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6, sản lượng cắt giảm sẽ co lại 7,7 triệu thùng/ngày trong phần còn lại của năm nay và sau đó là 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022. Ả Rập Xê Út và các đồng minh vốn đã tăng tốc sản xuất trong vài tháng qua như một phần của cuộc chiến giá cả, điều này sẽ dẫn đến những lần cắt giảm lớn hơn, có thể lên đến 12,5 triệu thùng/ngày.
Với đóng góp từ các nhà sản xuất khác, chẳng hạn như Mỹ, Canada và Brazil, sản lượng dầu toàn cầu có thể giảm hơn 15 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức cắt giảm này chỉ một phần là tuân theo thỏa thuận, còn chủ yếu là để phục hồi giá dầu thấp. Quy mô có thể còn cao hơn - gần hơn 20 triệu thùng/ngày, các đại biểu của OPEC cho biết, nếu bao gồm cả việc mua dầu để dự trữ chiến lược.
Tại sao ông Trump thúc đẩy thỏa thuận?
Trước đây, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích liên minh OPEC và yêu cầu họ phải tăng sản lượng để giảm giá xăng dầu. Cách đây vài tuần, ông Trump thậm chí còn ca ngợi sự sụp đổ về giá dầu giống như việc cắt giảm thuế khổng lồ.
Nhưng cũng chính người đứng đầu Nhà Trắng này đã từ chối chủ động cắt giảm sản lượng dầu của Mỹ và đích thân làm trung gian cho thỏa thuận qua các cuộc gọi với Tổng thống Mexico, ông Andres Manuel Lopez Obrador, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út. Ông Trump, theo đó, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thúc đẩy giá dầu cao hơn trong hơn 30 năm, đảo ngược sự phản đối trước đó của cá nhân ông đối với OPEC.
"Điều này sẽ giữ lại hàng trăm nghìn việc làm trong ngành năng lượng của Mỹ", Tổng thống Mỹ nói trong một tweet vào tối 12/4, trong khi cảm ơn Nga và Ả Rập Xê Út vì thỏa thuận dầu mỏ lớn. Ngay cả Viện Dầu khí Mỹ, đã từng phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào thị trường, cũng hoan nghênh thỏa thuận này và ca ngợi sự lãnh đạo của ông Trump.
Trong khi giúp đảm bảo thỏa thuận, ông Trump cũng có khả năng tránh được sự phẫn nộ của người tiêu dùng. Theo Daniel Yergin, người đứng đầu IHS Markit cho biết, giá xăng dầu tăng không phải là một vấn đề lớn vào thời điểm mà hầu hết mọi người đều ở nhà. Và tất cả những điều trên có thể mang lại lợi thế rất lớn cho ông Trump trong cuộc cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.
Thỏa thuận này sẽ giải cứu thị trường dầu mỏ?
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới nhất lớn hơn 4 lần so với mức cắt giảm kỷ lục được thiết lập vào năm 2008. Tuy nhiên, sau thông tin về thỏa thuận lịch sử này, giá dầu đã tăng ít hơn 5% và vẫn còn thấp hơn khoảng 50 - 60% so với mức đỉnh đạt được hồi đầu năm. Giới chuyên gia nhận định mức cắt giảm này vẫn còn khiêm tốn và sẽ không thể chấm dứt sự sụp đổ lớn về nhu cầu dầu toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến mức tiêu thụ giảm ít nhất 30% tổng sản lượng toàn cầu, tương đương với toàn bộ sản lượng của OPEC.
Dữ liệu hàng tồn kho giờ đây được xem là yếu tố quyết định chính cho xu hướng giá trong tương lai. "Ngay cả khi việc cắt giảm này cung cấp một mức giá sàn, họ sẽ không thể tăng giá do quy mô của dầu tồn kho", Virendra Chauhan, nhà phân tích tại Energy Aspects nói về các bể chứa và tàu trên toàn thế giới đang ngày càng được lấp đầy trong bối cảnh nhu cầu về dầu sụt giảm.
Hơn thế nữa, ở thời điểm hiện tại, các chính phủ trên toàn cầu đang xem xét mở rộng việc giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ tiếp tục khiến nhu cầu dầu giảm sâu. Các bể chứa dầu và đường ống có thể đầy nếu khủng hoảng tiếp tục và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng sản xuất dầu. Để tìm thị trường, các nhà sản xuất vẫn sẽ cần tiếp tục giảm giá. Đây sẽ là một "cơn gió ngược" cho bất kỳ đợt tăng giá nào.
Một điều đáng chú ý, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn là ngoại lệ. Các nhà tinh chế của nước này dự kiến sẽ tăng nhập khẩu dầu thô thêm 10%/tháng kể từ tháng 3 khi nước này dần phục hồi kinh tế sau đại dịch. Do vậy, các thương nhân cũng sẽ cần phải quyết định xem liệu các nhà sản xuất OPEC+ có tuân theo đầy đủ thỏa thuận cắt giảm của họ hay không, đặc biệt là khi giá tăng.
Nga đã cam kết cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, lớn hơn nhiều lần so với mức 300.000 thùng/ngày trong thỏa thuận cắt giảm được đánh giá là lớn chưa từng có ở thời điểm năm 2016. Nhà phân tích Bill Farren-Price của RS Energy Group cho biết ông tin rằng việc cắt giảm trong thực tế sẽ chỉ khoảng 6,8 triệu thùng/ngày hoặc ít hơn. "Sự tuân thủ sẽ sụp đổ nếu giá tăng quá cao", một đại biểu OPEC thừa nhận. "Ngay khi giá tăng, sẽ rất khó để kiểm soát được nguồn cung dầu".