Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Khoảng 20% doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện đang kinh doanh lỗ hoặc hòa vốn; 11 tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, tài chính của một số tập đoàn còn yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro…
Đó là những thông tin được công bố tại 2 hội nghị quan trọng vừa được Chính phủ tổ chức cuối tuần trước để tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN và sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tới yêu cầu đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hoạt động DNNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng hiệu quả hơn.
Nhìn nhận lại hoạt động của DNNN và các tập đoàn kinh tế nhà nước, có thể thấy rõ bài toán phân bổ nguồn lực lâu nay chưa hợp lý, cả trong cơ cấu kinh tế nói chung và trong nội tại khu vực DNNN nói riêng.
Báo cáo của Chính phủ nhìn nhận số DNNN thua lỗ và hòa vốn đã giảm từ 60% năm 2001 xuống 20% vào năm 2010, nhưng nhìn chung hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này vẫn rất đáng lo ngại. Hiện 11 tập đoàn kinh tế nhà nước đang nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực DNNN.
Hầu hết tập đoàn này đều chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường ở những ngành, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, các tập đoàn có sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với các ưu đãi về nguồn lực và các lợi thế khác. Tình trạng tài chính của các tập đoàn còn yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất cân đối.
Nhiều tập đoàn tuy năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn cho ngành chính nhưng vẫn mở rộng quy mô đầu tư sang các ngành nghề rủi ro như tài chính, ngân hàng, bất động sản. Điều đáng lo ngại là việc dùng uy tín, nguồn lực của Nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân làm được, sẽ làm hạn chế cơ hội và sự phát triển của khối tư nhân. Thực tế, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò nòng cốt của DNNN và các tập đoàn kinh tế. Trong bối cảnh nước ta đang ở thời kỳ quá độ đi lên CNXH, đây vẫn là công cụ hữu hiệu để Nhà nước định hướng, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Vấn đề đặt ra là phải nhìn nhận rõ thực trạng hoạt động, đánh giá những mặt tích cực, hạn chế, đề ra những giải pháp để khu vực DNNN và các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ tạm dừng việc thí điểm thành lập mới tập đoàn để tập trung hoàn thiện khung pháp luật, tái cấu trúc các tập đoàn đã được thí điểm thành lập.
Đây có thể xem là bước dừng cần thiết để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngay trong cuối năm nay, muộn nhất là quý I-2012, các tập đoàn phải trình phương án tái cơ cấu để tập trung vào nhiệm vụ và ngành nghề chính, kiên quyết dừng đầu tư ngoài ngành trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm và chứng khoán.
Thực tế đã chỉ ra rằng đầu tư ngoài ngành là một trong những yếu tố khiến “sức khỏe” của DNNN gặp vấn đề, nhưng để “trị bệnh” cũng không nên chuyển từ thái cực này sang thái cực khác một cách cực đoan. DNNN vẫn có thể đầu tư ngoài ngành nhưng có sự quản lý của Chính phủ, phù hợp với thế mạnh của tập đoàn và bảo đảm hiệu quả.
Quan trọng hơn, DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước phải đảm bảo hiệu quả các lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề chính trước khi mở rộng hoạt động ra ngoài ngành.
Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định trong 5 năm tới phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tái cấu trúc DNNN (trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) là một trong 3 trụ cột của tiến trình cải cách.
Việc tự đổi mới hoạt động theo hướng hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh đang trở thành yêu cầu sống còn đối với các DNNN. Giai đoạn phát triển mới của đất nước không có chỗ đứng cho những doanh nghiệp được ưu ái về cơ chế nhưng hoạt động trì trệ, kém hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất kiên quyết về vấn đề này với thông điệp rõ ràng: “Phải mạnh dạn cổ phẩn hóa cái mà Nhà nước không cần chi phối. Chính phủ quyết tâm cho sáp nhập những doanh nghiệp nhỏ, giải thể những doanh nghiệp thua lỗ”.