Tái cơ cấu ngân hàng - Giảm lượng, tăng chất

Tái cơ cấu hoạt động NH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong những năm tới. Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương đảng khóa XI mới đây cũng đã nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết này. Hiện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là cơ quan được Chính phủ giao xây dựng đề án tái cơ cấu hoạt động NH. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết:

Tái cơ cấu hoạt động NH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong những năm tới. Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương đảng khóa XI mới đây cũng đã nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết này. Hiện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là cơ quan được Chính phủ giao xây dựng đề án tái cơ cấu hoạt động NH. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết:

Mặc dù trong những năm qua hệ thống NHTM đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song còn nhiều tồn tại, hạn chế nên hoạt động thiếu tính ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương khi môi trường kinh doanh  biến động bất lợi.

Không loại trừ trong những đợt tăng vốn của các NHTM vừa qua đã có tình trạng tăng vốn ảo, núp dưới nhiều hình thức khác nhau. Hệ quả của việc này đã làm tín dụng NH đổ vào những lĩnh vực nhạy cảm và rủi ro, tập trung phục vụ lợi ích trước mắt cho những nhóm cổ đông chi phối NH trong khi gây rủi ro dài hạn cho cả hệ thống NHTM. Lần tái cấu trúc này Chính phủ và NHNN phải kiên quyết và mạnh tay, nếu không sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Chất lượng tài sản của nhiều NHTM hiện nay rất yếu, năng lực quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp kém. Nhiều NHTM vì lợi ích nhóm cổ đông đẩy mạnh cho vay vào lĩnh vực nhiều rủi ro hoặc tình trạng cho vay chéo trong nội bộ công ty diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, các NHTM nhỏ mới tăng vốn đã chạy đua mở rộng mạng lưới và tăng tổng tài sản, dẫn đến những cuộc đua tranh lãi suất không lành mạnh.

Điều này dễ làm NH bị rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn, thể hiện qua nợ xấu của hệ thống NHTM tăng khá cao. Vì vậy, rất cần thiết phải tiến hành tái cơ cấu hoạt động NHTM cả về khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và nhân lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, phải chăng nhóm NHTM nhỏ sẽ là đối tượng chính  trong đợt tái cơ cấu này?

TS. LÊ XUÂN NGHĨA: - NHNN đã thể hiện tư tưởng tái cơ cấu NH sẽ không phân biệt quy mô nhỏ hay lớn mà quan trọng nhất là hướng đến hoạt động NH an toàn, lành mạnh và có hiệu quả.

Thực tế ở nước ta có nhiều NHTM xếp loại NHTM nhỏ nhưng nếu so với các NH nhỏ ở Hoa Kỳ thì NHTM nhỏ ở nước ta là NH trung bình. Ví dụ, NH nhỏ ở Hoa Kỳ có vốn tự có chỉ khoảng 10-15 triệu USD, trong khi NHTM nhỏ ở Việt Nam có vốn tự có cũng xấp xỉ 100 triệu USD.

NH lớn ốm yếu,  một thời gian cũng sụp đổ, NH nhỏ nếu khỏe mạnh vẫn có thể tồn tại. Nhưng tốt hơn cả là cần những NHTM vừa to vừa khỏe. Vì vậy, chương trình tái cơ cấu chủ yếu tập trung vào việc lành mạnh hóa tài chính các NHTM, những NHTM có tỷ lệ nợ xấu vượt 5% phải buộc vào diện tập trung tái cấu trúc.  

Tái cấu trúc NH sẽ không phân biệt quy mô nhỏ hay lớn. Ảnh: LÃ ANH

Tái cấu trúc NH sẽ không phân biệt quy mô nhỏ hay lớn. Ảnh: LÃ ANH

- Theo ông, lộ trình tái cấu trúc các NH thực hiện như thế nào?

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đang xây dựng đề án tái cấu trúc ngành NH để trình Chính phủ. Trong đó, chúng tôi kiến nghị cần thực hiện các bước sau: Thứ nhất, tiến hành tổng rà soát thanh tra chất lượng tài sản và nợ xấu của các NHTM.

Thứ hai, tiến hành xóa nợ và làm sạch bảng cân đối tài sản, trong đó phân loại nợ xấu do nguyên nhân khách quan, chủ quan, làm cho bảng cân đối tài chính NH sạch sẽ.

Thứ ba, tái cơ cấu tổ chức và hoạt động, tổ chức lại khối lượng, số lượng các NHTM, chi nhánh, mạng lưới hoạt động của NHTM, đặc biệt là các định chế bên trong của NH.

Cuối cùng là tăng cường năng lực về công nghệ, nhân lực, về các quy định pháp luật trong hoạt động như kiểm toán nội bộ, tăng cường khả năng quản trị rủi ro, đặc biệt về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).

- Trong các bước thực hiện trên theo ông các bước nào khó thực hiện nhất? Dự kiến lộ trình tái cấu trúc NH sẽ mất khoảng bao lâu và liệu các NHTM “bị bệnh” có sẵn sàng hợp tác để “lột xác”?

- Lộ trình tái cấu trúc NH còn phụ thuộc ngân sách nhà nước nhưng tất yếu sẽ làm từ từ để tránh đổ bể hệ thống, dự kiến có thể kéo dài trong vòng vài ba năm.

Trong các việc cần làm trên, vấn đề khó nhất và nan giải nhất là xóa nợ, bởi ngân sách nhà nước có hạn, trong khi số nợ xấu của các NHTM hiện tại rất lớn. 75.000 tỷ đồng nợ xấu của các NHTM chỉ là con số khai báo thôi, còn thực tế chưa tính hết. Muốn biết được chính xác phải rà soát lại toàn bộ và tiến hành một cuộc khảo sát rất lớn như NHNN đã từng làm ở đợt tái cấu trúc vào năm 2005.

Để việc tái cấu trúc NH thuận lợi, Chính phủ sẽ thành lập một ủy ban thanh tra làm việc với từng NHTM “đến nơi đến chốn”. Đơn cử, để xác định được tỷ lệ chiếm hữu của một cổ đông NH ủy ban thanh tra này sẽ phải phối hợp với các cơ quan chức năng truy đến cùng để xem tỷ lệ thực tế của các cổ đông cũng như nguồn tiền đầu tư vào NH.

- Gần đây có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên sáp nhập NH hay rút giấy phép NH nhỏ yếu kém. Theo ông, việc tái cấu trúc NH có đồng nghĩa với những điều này?

- Vấn đề sáp nhập chỉ là công việc cuối cùng của chương trình tái cơ cấu, tức khi tái cơ cấu xong rồi NHTM nào tồn tại được thì hoạt động, NH nào tự thấy mình không tồn tại được phải tìm cách bán cổ phần, sáp nhập hoặc giải thể.

Chính phủ và NHNN không đặt ra việc nhất thiết phải sáp nhập nhưng đây là xu hướng tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh. Sáp nhập, hợp nhất NH đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với việc đứng riêng rẽ nhờ có vị thế lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, mạng lưới phân phối…

Xu hướng sáp nhập, hợp nhất NH có thể xảy giữa các NH lớn với nhau, giữa NH lớn và NH nhỏ, giữa các NH nhỏ với nhau chứ không phải xu hướng tái cấu trúc NH này chỉ để loại bớt số lượng các NH nhỏ.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác