
Tại hội thảo, câu chuyện xung quanh vấn đề tái cơ cấu ngân hàng trên cơ sở phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại (NHTM) của luật sửa đổi Luật tổ chức tín dụng 2024, có 4 NH đã được chuyển giao gồm CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank đã được đặt lên bàn thảo luận.
Bình luận về nội dung này, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho rằng với quá trình “chuyển giao bắt buộc” đối với 4 NH, các NH trên được tổ chức dưới mô hình công ty TNHH một thành viên và 100% vốn thuộc sở hữu của 4 NHTM. Xét về bản chất, 4 NH bị “chuyển giao bắt buộc” lần thứ 2.
Lý do dẫn đến NH bị “chuyển giao bắt buộc” là có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, tức thị giá cổ phiếu có thể là 0 đồng (cổ đông không bán được). Tuy nhiên, về pháp lý, vốn điều lệ không bao giờ là số âm (cổ đông phải bỏ thêm tiền ra mới bán được).
Giá trị NH trên thực tế chưa chấm dứt có thể là rất thấp, nhưng cũng về pháp lý, tối thiểu cũng phải bằng một đơn vị tiền tệ, tức là một đồng, chứ không thể là số 0 và càng không thể là số âm. Trên sổ sách kế toán, số vốn điều lệ tối thiểu cũng như tổng mệnh giá cổ phiếu tối thiểu cũng vẫn bằng mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Mọi cổ đông NH vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu và cổ phiếu. Các cổ phiếu NH cũng vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và không bị hủy bỏ.
"Việc chuyển giao bắt buộc trước mắt là để giải cứu khó khăn kéo dài, giải quyết tình thế bi đát, dừng hoãn, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ. Trong tương lai, để tiến tới đích hợp nhất, sáp nhập hay tái cổ phần hoá, cần giữ cố định mô hình NH mẹ - con một chủ", LS. Trương Thanh Đức nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm tái cơ cấu NH thông qua sáp nhập tại Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, cho rằng việc sáp nhập và tái cơ cấu các NH hoạt động tại Mỹ được thực hiện dưới sự quan sát và kiểm soát của các cơ quan quản lý liên bang và tiểu bang. Trong đó, bao gồm: Fed, FDIC (Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang), OCC (Cơ quan Tổng kiểm soát tiền tệ), các cơ quan quản lý các định chế tài chính tiểu bang.
Ở Việt Nam, công ty bảo hiểm không đóng vai trò nào trong việc thanh tra, tái cơ cấu NH, nhưng tại Mỹ, FDIC là người chịu rủi ro lớn nhất. Bởi nếu có chuyện gì xảy ra, họ sẽ lấy tiền của họ để bồi thường cho khách hàng. Chính vì rủi ro đó, họ là người "cầm trịch", đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thanh tra các NH.
Đối với 4 NH đã chuyển giao bắt buộc, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ, tái cơ cấu các NH này dựa trên cơ sở phương án chuyển giao bắt buộc NHTM tại điều 185 của Luật Tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi). Tuy nhiên, ông đã nêu ra một số điểm trong quyền, nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao như: sở hữu 100% vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc; không phải hợp nhất báo cáo tài chính của NHTM được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ NHTM được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.
Theo chuyên gia này, những điều khoản trên không phù hợp với các nguyên tắc kế toán và thông lệ quốc tế và làm "méo mó" báo cáo tài chính của NH nhận chuyển giao. Đặc biệt là không hợp nhất các khoản lỗ lũy kế của NH con (nếu có) vào bảng cân đối kế toán của cả hệ thống NH nhận chuyển giao.
Các chỉ số an toàn vốn sẽ không được thể hiện chính xác tính hình sức khỏe tài chính của cả hệ thống NH nhận chuyển giao. Điều này có thể tác động đến lòng tin của cổ đông, khách hàng gửi tiền, trừ trường hợp tất cả tiền gửi của khách hàng tại NH con được NH mẹ bảo lãnh 100%.