Tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao
ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) chất vấn: “Chính phủ đã đặt mục tiêu, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030, nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, góp phần giảm chi phí huy động vốn, thu hút thêm nhiều vốn đầu tư. Đề nghị cho biết đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đến nay? Đâu là điểm mạnh? Chính phủ có giải pháp gì cải thiện mức tín nhiệm quốc gia hướng tới mục tiêu nâng cao xếp hạng môi trường đầu tư, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy khả năng huy động vốn?”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời, thời gian qua, tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Trong khi một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”, hay BB+. Điều này giúp tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.
“Vừa qua, qua chuyến công tác tại Mỹ, tôi có làm với các tổ chức đánh giá tín dụng như S&P, Moody’s và đều được đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng sự năng động phát triển và khuyến nghị đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, các tổ chức này đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản… Họ hài lòng và tin tưởng những giải pháp đề ra của Việt Nam”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội còn chậm
Về tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân, mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030. Nguồn tiền cho gói tín dụng này đến từ huy động tín dụng trong dân, với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng |
Khi chính sách này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các ngân hàng và đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay. Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ triển khai gói tín dụng này. Hiện có 18/63 UBND địa phương gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án có nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương, tới cuối tháng 10.
Thừa nhận hiệu quả triển khai gói này còn hạn chế, Thống đốc nhận định, trước hết là nhu cầu vay của đối tượng vay - người lao động thu nhập thấp - còn hạn chế. Nhu cầu nhà ở thì "bức xúc thật, nhưng đi vay để mua nhà thì họ cần cân nhắc kỹ". Cạnh đó, các điều kiện để hưởng ưu đãi còn bất cập... Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị UBND các địa phương sớm công bố dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai, đồng thời phối hợp các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ.
Liên quan thanh toán không dùng tiền mặt, vấn đề được ĐB Thanh Hương quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, đến tháng 9, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán giảm xuống 9,17% so với 11,73% cuối 2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giao dịch tăng 49% số lượng, giao dịch qua Internet tăng 60,3%; kênh điện thoại di động tăng gần 61%, qua QR Code 105%... Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm. Những chỉ dấu này cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng. Nhưng, tâm lý dùng tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, xa và tâm lý e ngại của người dân về rủi ro trong thanh toán vẫn còn khá nặng nề.
Thời gian tới, ngân hàng sẽ rà soát, phối hợp các cơ quan hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo an ninh, quyền lợi người dân.
Chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng
ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh), ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cùng chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,91%. Các giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra? Lộ trình để hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân; kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước điều hành bám sát theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy, trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.
Lĩnh vực ngân hàng hiện tồn tại 3 vấn đề nóng
Báo cáo tổng hợp các vấn đề tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến ĐB nêu rõ, trong lĩnh vực ngân hàng hiện tồn tại 3 vấn đề. Đó là việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém.
Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với Ngân hàng Xây dựng (Việt Nam CB, sau đổi thành CBBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank), nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Song tiến độ tái cơ cấu những ngân hàng này rất chậm. Tháng 10-2022, có thêm Ngân hàng Sài Gòn (SCB), được đặt vào kiểm soát đặc biệt. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8-2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (CGBB), đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để CGBB, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương CGBB là DongABank.