Tầm nhìn mới, viễn cảnh mới cho TP Hồ Chí Minh

(ĐTTCO) - Mặc dù đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm mới 2023, TPHCM vẫn tin vào viễn cảnh tương lai khi lấy lại vị thế là “hòn ngọc sáng” ở châu Á và tạo ra “kỳ tích sông Sài Gòn”.
Tầm nhìn mới, viễn cảnh mới cho TP Hồ Chí Minh

Những động lực cho sự đột phá

Cơ sở chính trị để đảm bảo cho TPHCM vững bước đi tới, là Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đây là nghị quyết quan trọng xác lập vị thế của TPHCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: “Là TP kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế; TP văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, phát triển ngang tầm các TP lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; là nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”.

Cơ sở chính trị nữa được coi là lợi thế, đó là Quốc hội cho TPHCM tiếp tục thực hiện nội dung của Nghị quyết 54 đến hết năm 2023, và TP chuẩn bị trình Trung ương đề án cơ chế đặc thù thay thế nghị quyết này chuẩn bị cho những bước đi bền vững hơn.

Cùng với đó, TPHCM đang xây dựng cách thức thực hiện thí điểm các vấn đề mới có ý nghĩa, giúp TP đột phá và vượt trội; tiến hành xây dựng các bước đi cải cách quản lý TP theo chiều rộng và chiều sâu, trên 5 lĩnh vực chính yếu: quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, công tác tổ chức cán bộ và TP Thủ Đức.

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở rộng trong năm 2023.

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở rộng trong năm 2023.

Để giúp TPHCM có đà tăng trưởng trong thời gian tới, Chính phủ và chính quyền các tỉnh thành Đông Nam bộ đã quyết định đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật (CSHTKT) vào vùng nói chung và TPHCM nói riêng. Bởi chỉ có hệ thống đường bộ, đường hàng không, đường thủy tốt mới tạo ra đột phá mạnh mẽ cho cả vùng.

Do vậy, TP xác định đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2030” là một trong những khâu đột phá phá triển mạnh mẽ nhất cho toàn bộ nền kinh tế- xã hội.

Khởi động những dự án lớn

Về hàng không, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành 2024, với công suất 20 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của nhà ga sân bay này lên 50 triệu khách/năm. Cùng với đó, đường bộ cũng được đầu tư lớn. TPHCM xác định tổng mức đầu tư dự kiến cho CSHTKT 970.654 tỷ đồng.

Trong năm 2023 TP quyết tâm khép kín đường Vành đai 2, khởi công dự án đường Vành đai 3 và hoàn thành năm 2026, tạo ra sự liên thông giữa TPHCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An. TP cũng đã chuẩn bị cho đường Vành đai 4, cùng Đồng Nai khởi công cầu Cát Lái nhằm đánh thức vùng đất phía Đông, đặc biệt là Nhơn Trạch.

Các tuyến đường liên vùng sẽ được nâng cấp và làm mới. Trong đó phải kể đến 2 tuyến đường quan trọng TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Xa Mát, nối TPHCM qua 2 cửa khẩu quốc tế sang Campuchia, từ đó qua Thái Lan, Lào.

Sau cuộc viếng thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 8-11-2022, Thủ tướng Campuchia Hunsen đã cam kết nâng cấp tuyến đường Phnom Penh - Mộc Bài dài 167km thành đường cao tốc chất lượng cao, tạo ra hệ thống đường bộ liên thông Việt Nam - Campuchia - Lào - Trung Quốc và Thái Lan. Các tuyến đường khác như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương (mở rộng) sẽ tạo ra mạng lưới giao thông liên vùng Đông và Tây Nam bộ thuận tiện.

Hy vọng cuối năm 2023 metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoàn thành đưa vào chạy thử để năm 2024 khai thác thương mại. Tuyến số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương), Tuyến số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) sẽ được đẩy nhanh tiến độ. TP cũng sẽ đầu tư hoàn chỉnh các nút giao thông trọng điểm gồm An Phú, Mỹ Thủy, Gò Dưa, Linh Xuân (TP Thủ Đức), ngã tư Bốn Xã (quận Tân Phú) và ngã sáu Công trường Dân Chủ (quận 3).

Các cây cầu có quy mô lớn vượt sông cũng được ưu tiên đầu tư xây dựng, như cầu Thủ Thiêm 3, 4. Việc đầu tư mạnh mẽ cho CSHTKT cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của TPHCM trong việc tạo động lực và đột phá phát triển nhằm đưa TP trở thành trung tâm kinh tế-tài chính của Đông Nam Á.

Thực hiện chuyển đổi số toàn diện

Tầm nhìn mới của TPHCM trong năm 2023 và những năm tiếp theo là chuyển mạnh mẽ từ phát triển thiên về chiều rộng, sử dụng quỹ đất lớn, thâm dụng lao động phổ thông, sang phát triển theo chiều sâu, thiên về chất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong năm 2023, TPHCM tiếp tục thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn (big data) - nhất là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở… phục vụ hoạt động, vận hành công tác quản trị TP và đời sống người dân.

Hiện TPHCM đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để kết nối chính thức nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia về kho dữ liệu dùng chung. Hơn 900 đơn vị trên địa bàn, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.

Mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, nhằm đạt mục tiêu phát triển đến năm 2025 TPHCM là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đến năm 2030 TPHCM là trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.

TPHCM cũng đang xây dựng chương trình làm thay đổi diện mạo và chất lượng sống đô thị. Khu vực trung tâm bao gồm Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, bến Bạch Đằng và có thể thêm cả Phạm Ngọc Thạch, cộng với 12ha ga metro trung tâm ngầm dưới mặt đất, sẽ tạo nên khu phố đi bộ sầm uất bậc nhất quốc gia.

Các phố đi bộ, chợ đêm ở quận 5, 10, 11, Phú Nhuận sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn. TPHCM trong quá trình hướng tới mục tiêu đến năm 2030 có 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, đất công viên đạt 1m2/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3-4m2/người.

TP cũng tiến hành cải tạo các kênh rạch như kênh Tham Lương, rạch Xuyên Tâm để phục vụ cho thoát nước và cải tạo cảnh quan môi trường. 130.000 căn hộ nhà ở xã hội là mục tiêu TPHCM đề ra nhằm nâng cao đời sống của người lao động, nhất là công nhân các khu công nghiệp.

Có thể nói, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và việc gia hạn Nghị quyết 54 của Quốc hội, là cơ sở chính trị vững chắc để TPHCM quyết tâm đi tới trong tinh thần và tâm thức mới.

2023 tập trung những giải pháp trọng tâm

Trong năm 2023, TPHCM sẽ tập trung 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu, thích ứng; phát triển kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao; hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển logistics, thúc đẩy đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển du lịch thông minh.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu; khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, rạch Xuyên Tâm và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng thời gian tới.

Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn chỉnh Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040; Quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Chiến lược quản lý phát triển hành lang sông Sài Gòn...

Các tin khác