Bước ngoặt China Telecom
Từ những năm 1990, Bắc Kinh đã nhắm đến tư nhân hóa các DNNN để tận dụng nguồn lực từ khối DN này. Cuộc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) năm 1997 của China Telecom (nay là China Mobile), là đợt tư nhân hóa đầu tiên do chính quyền trung ương Trung Quốc tài trợ, được xem như một sự kiện mang tính bước ngoặt trong việc huy động nguồn lực từ các DNNN. Trước đó, trong nửa đầu năm 1997, đã có 15 DNNN ở Hoa lục được tư nhân hóa, thu về 2,51 tỷ USD, nhưng China Telecom đã vượt qua tất cả.
Với 4,04 tỷ USD thu được, đây là đợt IPO châu Á lớn nhất tính đến thời điểm đó, và là lần đầu tiên một DNNN lớn của Trung Quốc niêm yết một phần cổ phiếu của mình trên Sở Chứng khoán New York (NYSE). Xét về thời điểm, cuộc IPO diễn ra ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khiến thành công của nó càng đáng chú ý hơn. Việc chào bán được đăng ký vượt mức 30 lần ở Hồng Kông và 20 lần ở New York.
Các khách hàng tiềm năng ban đầu được chào mời mua với giá 7,75–10 HKD/cổ phiếu, nhưng sau đó tăng lên 9,5–12,6HKD và cuối cùng định giá ở mức 11,8HKD. Cổ phiếu được niêm yết tại Hồng Kông vào ngày 23-10, một ngày khi chỉ số Hang Seng giảm 10,4%. Bất chấp thất bại đó, China Telecom đã hồi phục để kết thúc tuần cao hơn 3% so với giá IPO của mình. Thành công của IPO đã cung cấp một khuôn mẫu để Trung Quốc tái cấu trúc và niêm yết các DNNN khác.
Việc niêm yết của "nhà vô địch quốc gia" đầu tiên đã mở đường cho những người khác tiếp bước trong lĩnh vực nhôm, năng lượng và tài chính. Ngoài việc cung cấp một kiểu mẫu cho các công ty Trung Quốc khai thác vốn nước ngoài, thương vụ cũng đưa Hồng Kông lên bản đồ cho các công ty phát hành cổ phiếu nước ngoài. Thị trường Hồng Kông khi đó vẫn là một thị trường khu vực.
Thương vụ cổ phiếu H lớn nhất vào thời điểm đó là vụ IPO trị giá 600 triệu USD của China Southern Airlines, nhưng nhiều công ty phát hành nước ngoài kể từ sau vụ IPO của Telecom đã bị thu hút tới Hồng Kông, giúp hoạt động IPO ở thành phố này thậm chí đánh bại hoạt động IPO ở thị trường Mỹ. Ngoài ra, cũng nhờ vụ IPO này, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các công ty Trung Quốc.
Cải cách sở hữu hỗn hợp
Phải hơn 3 năm sau, tháng 6-2000, kỷ lục của Telecom mới bị phá vỡ bởi China Unicom, cũng là một DNNN chuyên về viễn thông, với cuộc IPO đạt 4,92 tỷ USD tại Hồng Kông và NYSE. Nhà khai thác viễn thông Hoa lục định giá cổ phiếu của mình ở mức 15,42HKD (1,98USD) cho các nhà đầu tư bán lẻ và 15,58HKD cho các nhà đầu tư tổ chức. Cổ phiếu lưu ký tại Mỹ của China Unicom được giao dịch với giá 19,99USD mỗi cổ phiếu.
Thành công của Telecom và Unicom là tiền đề để Bắc Kinh triển khai một kiểu cải cách DNNN mới, gọi là “cải cách sở hữu hỗn hợp” (mixed-ownership reform). Vào quý III-2014, Trung Quốc đã tiến hành một bước thử nghiệm quan trọng khi bán cổ phần nhà nước tại 2 DNNN lớn là Sinopec và Citic, thu về hơn 50 tỷ USD. Trong năm 2014, một DNNN lớn là Citic Group đã quyết định bán số tài sản trị giá 37 tỷ USD cho một tập hợp các cổ đông bên ngoài của công ty con Citic Pacific.
Một nhóm bao gồm Och-Ziff Capital, Tencent và Bain Capital sẽ tham gia tập hợp 15 nhà đầu tư đã được công bố trước đó, trong đó có Temasek - công ty đầu tư của chính phủ Singapore, và AIA - công ty bảo hiểm châu Á. Danh sách các nhà đầu tư bổ sung còn có gia đình Kuok của Malaysia - chủ sở hữu của tập đoàn khách sạn Shangri-La, và Chow Tai Fook Nominees - phương tiện đầu tư tư nhân của Cheng Yu-tung, người giàu thứ năm châu Á tại thời điểm đó.
Theo sau Citic, chính phủ lên kế hoạch cho Everbright Group, một tập đoàn khác thuộc sở hữu nhà nước. Công ty con China Everbright được niêm yết tại Hồng Kông có kế hoạch trở thành một “công ty cổ phần” thay vì một doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn. PetroChina, nhà sản xuất năng lượng số 1 quốc gia, cũng thoái vốn một phần hoạt động kinh doanh đường ống của mình, thu về hàng tỷ đô la từ các nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Nhưng thương vụ quan trọng thứ hai sau Citic phải kể đến việc bán cổ phần của Sinopec. Ngày 15-9-2014, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ do nhà nước kiểm soát Sinopec đã công bố kế hoạch bán 17,5 tỷ USD cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ của mình. Việc mua bán này phản ánh nỗ lực của chính phủ trong việc tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ của đất nước. Thương vụ cũng nhấn mạnh kỳ vọng của Sinopec về việc các nhà đầu tư bên ngoài sẽ làm chất xúc tác cho tăng trưởng và cải cách tại đơn vị bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận thấp của doanh nghiệp.
Đến năm 2016, chính Unicom quay trở lại thành một trong các thử nghiệm của cải cách sở hữu hỗn hợp. Động thái này cho phép các nhà đầu tư tư nhân như Baidu, Tencent, Alibaba, JD.com và China Life Insurance nắm giữ hơn 35% cổ phần của công ty. Kể từ khi bắt đầu cải cách, China Unicom đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về doanh thu và lợi nhuận sau nhiều năm tăng trưởng chậm lại.
Báo cáo tài chính của công ty cho thấy doanh thu hoạt động của công ty đạt 303,8 tỷ NDT, tương đương hơn 47 tỷ USD vào năm 2020, tăng 4,6% so với năm trước. Tổng lợi nhuận ròng của công ty đạt hơn 5,52 tỷ NDT, tăng hơn 10% so với năm trước. Cuộc cải cách sở hữu hỗn hợp của China Unicom được nhiều người coi là một hình mẫu cho sự “lột xác” đối với DNNN của Trung Quốc.
Thành công của Telecom và Unicom là tiền đề để Bắc Kinh triển khai một kiểu cải cách DNNN mới, gọi là “cải cách sở hữu hỗn hợp”. |