Tân Thủ tướng Hun Manet sẽ kế thừa quan điểm chính trị của cha?

(ĐTTCO) - Ngày 22-8, ông Hun Manet đã được quốc hội nước này bầu làm tân Thủ tướng của đất nước, chấm dứt gần 4 thập niên cầm quyền của cha ông, nguyên Thủ tướng Hun Sen.
Tân Thủ tướng Hun Manet sẽ kế thừa quan điểm chính trị của cha?

Người sinh ra từ “linh hồn trong cây đa”

Là con cả trong 5 người con của Hun Sen, Hun Manet sinh năm 1977 ở vùng nông thôn Campuchia. Cha ông cho biết con trai ông được sinh ra từ một linh hồn xuất hiện từ cây đa trong một tia sáng. Không giống như cha mình, người không được học hành chính quy, Hun Manet có bằng thạc sĩ tại ĐH New York (Mỹ) và bằng tiến sĩ ĐH Bristol (Anh) về kinh tế

Manet còn tốt nghiệp Học viện quân sự West Point ở Mỹ, và thăng tiến nhanh chóng trong quân đội Campuchia, lãnh đạo đội chống khủng bố và giữ chức vụ phó đội vệ binh của cha mình, cũng như là chỉ huy trưởng và phó chỉ huy quân sự.

Về mặt chính trị, ông lãnh đạo nhóm thanh niên của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và là thành viên ban thường vụ của đảng này. Vào cuối năm 2021, Hun Sen tuyên bố Hun Manet là người kế nhiệm được chỉ định của ông, sau đó Manet được CPP tán thành là thủ tướng tương lai.

Trong suốt 38 năm nắm quyền, Hun Sen đã đảm bảo cho con trai ông được hưởng nền giáo dục và huấn luyện quân sự vượt trội, nhằm đảm bảo sự kế thừa là hợp pháp trước công luận và giảm điều tiếng gia đình trị.

Trước những lời chỉ trích của phương Tây, Hun Sen đã tổ chức cuộc thanh trừng kéo dài nhiều năm các đối thủ của mình, với hàng loạt người bị bắt hoặc bỏ tù vắng mặt, loại bỏ hiệu quả phe đối lập và dọn đường cho sự kế nhiệm suôn sẻ. Hun Sen có ý định đóng vai trò chính trị tích cực trong ít nhất 1 thập niên tới, nhằm mục đích bảo vệ con trai ông khỏi những thách thức nội bộ, đồng thời cho phép ông xây dựng cơ sở quyền lực của riêng mình. Cựu thủ tướng có kế hoạch trở thành Chủ tịch Thượng viện.

Hun Manet sẽ khác Hun Sen?

Hun Manet ít xuất hiện trên trường quốc tế và hiếm khi trả lời phỏng vấn. Những lần ông xuất hiện trước công chúng trong những năm gần đây chỉ giới hạn ở việc gặp gỡ, chào hỏi, chụp ảnh selfie với những người ủng hộ và vẫy tay mỉm cười trước đám đông. Tuy nhiên, trong quá trình vận động tranh cử, tương tự như cha ông, Manet chỉ trích gay gắt các đối thủ ở nước ngoài là "những kẻ cực đoan".

Dù vậy, Manet từ chối trả lời câu hỏi của một phóng viên trong cuộc bầu cử về việc liệu ông có cai trị khác với cha mình hay không. Trong phát biểu sau khi trở thành Thủ tướng, ông hứa sẽ cải thiện nền kinh tế, pháp quyền và công bằng xã hội; cũng như phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu và tăng lương cho công nhân nhà máy và công chức.

Việc Tiến sĩ Hun Manet trở thành tân Thủ tướng Campuchia là sự kiện trọng đại của nhân dân Campuchia. Một “làn gió mới”, “tư duy mới” được kỳ vọng kế tục những giá trị cũ, phát huy giá trị mới.

Các cường quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy liệu Hun Manet sẽ duy trì sự độc tài, hay theo đuổi sự tự do hóa lớn hơn và phong cách dân chủ phương Tây hơn.

Những cải cách dân chủ khó sớm xảy ra và có thể buộc ông phải từ bỏ một số quyền kiểm soát của CPP đối với các thể chế độc lập quan trọng, đồng thời mở lại không gian chính trị cho những người đối lập và công đoàn.

Những động thái như vậy có thể khiến chính phủ của ông phải chịu sự giám sát của công chúng, có nguy cơ làm đảo lộn các mạng lưới bảo trợ cũng như sự cân bằng quyền lực cha ông đã quản lý thành công trong nhiều năm.

Các cường quốc nước ngoài cũng sẽ tìm kiếm manh mối xem liệu những trải nghiệm của ông khi sống ở Anh và Mỹ có thể dẫn đến những cải thiện trong mối quan hệ của Campuchia với phương Tây, hay một nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế và sự phụ thuộc chính trị vào Trung Quốc.

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN hồi đầu tháng này nói với Reuters rằng, cơ quan này hy vọng sớm đón tiếp Hun Manet ở New York, đồng thời lưu ý ông là "một người khác" với cha mình.

Thách thức lớn nhất đối với tân Thủ tướng Hun Manet là đối phó với biến đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp vẫn chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế Campuchia. Mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc cũng đang bị phương Tây giám sát.

Các quan chức phương Tây nói với tờ Washington Post năm ngoái, rằng Campuchia đã cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân quan trọng về mặt chiến lược trên bờ biển của nước này. Phnom Penh và Bắc Kinh đều phủ nhận cáo buộc này.

Năm 2020, Hun Manet đi cùng cha trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Tập Cận Bình. Năm ngoái ông cũng đã gặp Thủ tướng Fumio Kishida của Nhật Bản, một nhà tài trợ viện trợ lớn. Ngược lại, theo phân tích của Viện Lowy, ông ít tham gia với giới lãnh đạo chính trị Mỹ.

Đặt lợi ích của người dân lên trên hết?

Manet là một phần của sự thay đổi thế hệ rộng lớn hơn đang diễn ra trong giới lãnh đạo Campuchia, khi các thành viên của đội ngũ bảo vệ cũ được thay thế. Khó có thể nói liệu nó có đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận lãnh đạo hay không. Trên Facebook, nơi Manet có 1,2 triệu người theo dõi, ông chia sẻ các đoạn clip về các bài phát biểu chính trị và những bức ảnh chụp khi chào đón những người ủng hộ.

Ngoài ra còn có những đoạn về cuộc sống gia đình. Manet đã chia sẻ những bức ảnh về những chuyến đi chơi cùng gia đình cũng như những chiếc ô tô đồ chơi yêu thích của con trai ông.

Bài phát biểu của ông lặp lại thông điệp của Hun Sen, rằng ông là người đã mang lại hòa bình và ổn định cho một đất nước phải đối mặt với nỗi kinh hoàng của Khmer Đỏ và chiến tranh.

Trong bài phát biểu mới đây tân Thủ tướng Hun Manet thẳng thắn nêu quan điểm: “Campuchia đã từng phải trải qua quá khứ cay đắng cùng cực trong thập niên 70. Nếu đất nước phụ thuộc vào quốc gia nào đó và phớt lờ những quốc gia khác, hậu quả như trong quá khứ là điều khó tránh khỏi. Chính phủ Campuchia do CPP lãnh đạo luôn giữ vững lập trường đặt lợi của người dân Campuchia lên trên hết”.

Ông cũng tái khẳng định lập trường của Campuchia là trung lập, nhấn mạnh Campuchia có mối quan hệ tốt đẹp cả với Trung Quốc, Mỹ, phương Tây hay bất cứ quốc gia nào khác.

Các tin khác