Chân dung tân Tổng thống
Ông Pezeshkian sinh ngày 29-9-1954 tại TP Mahabad. Ông có cha là người Azerbaijan và mẹ là người Kurd. Chính trị gia 70 tuổi này xuất thân là một bác sĩ, từng phục vụ trong Chiến tranh Iran - Iraq những năm 1980. Ông Pezeshkian sau đó trở thành bác sĩ phẫu thuật tim, và làm Hiệu trưởng Đại học Y khoa Tabriz.
Bi kịch xảy ra với ông Pezeshkian vào năm 1994, khi vợ và con gái của ông thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Vị bác sĩ không tái hôn mà một mình nuôi 2 người con còn lại.
Ông Pezeshkian tham gia chính trường lần đầu tiên với tư cách là Thứ trưởng Bộ Y tế, và sau đó là Bộ trưởng dưới thời Tổng thống Iran Mohammad Khatami. Năm 2006, ông Pezeshkian trở thành thành viên Quốc hội Iran và đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016-2020.
Ông Pezeshkian từng đăng ký làm ứng cử viên Tổng thống vào năm 2013, nhưng rút lui sau đó. Đến năm 2021, chính trị gia này cố gắng tranh cử Tổng thống lần nữa, nhưng bị Hội đồng Giám hộ Iran loại khỏi danh sách ứng viên. Trong số các ứng viên của cuộc đua tổng thống Iran lần này, ông Pezeshkian là người duy nhất không theo đường lối bảo thủ, vốn công khai ưu tiên các giá trị của Cộng hòa Hồi giáo Iran trên tất cả.
Ông Pezeshkian đã nhiều lần chỉ trích hệ thống chính trị của Iran. Trong một bài phát biểu năm 2009, ông đã chỉ trích cách đối xử với những người biểu tình, lặp lại lời của Imam người Shiite, rằng đừng đối xử với mọi người "như một con thú hoang". Ông Pezeshkian coi phản ứng của chính quyền với các cuộc biểu tình năm 2018 là "sai lầm về mặt khoa học và trí tuệ". Ông đổ lỗi cho hệ thống đất nước về tất cả các sự kiện khi nói: "Lẽ ra chúng ta nên làm tốt hơn".
“Nhà cải cách” trong khuôn khổ
Ông Pezeshkian được cho là “nhà cải cách", nhưng không phải là kiểu cải cách có tư tưởng tự do, yêu dân chủ, theo nghĩa phổ quát. Ở Iran, những người theo chủ nghĩa cải cách là một phe phái tư tưởng của giới tinh hoa cầm quyền ở Cộng hòa Hồi giáo. Họ là những người theo đạo Hồi, giống như các đối thủ bảo thủ của họ, nhưng tin rằng một phiên bản ôn hòa hơn về hệ tư tưởng của chế độ có thể phục vụ tốt hơn cho cả giới tăng lữ cầm quyền.
Những người theo chủ nghĩa cải cách đã lãnh đạo chính quyền giai đoạn 1997-2005, và là một phần của liên minh trên thực tế khi Hassan Rouhani, một người bảo thủ trở thành trung dung, làm Tổng thống từ năm 2013-2021.
Kể từ những năm 1990, Iran đã trải qua nhiều làn sóng bất đồng chính kiến và áp bức. Ngay cả bản thân những người theo chủ nghĩa cải cách cũng phải đối mặt với những cuộc đàn áp chính trị nghiêm trọng, với nhiều nhân vật cấp cao đã phải ngồi tù trong 2 thập kỷ qua.
Mặc dù là thành viên của tổ chức, nhưng người ta thừa nhận rộng rãi rằng họ thiếu ảnh hưởng đối với các trung tâm quyền lực quan trọng, chẳng hạn như Văn phòng Lãnh đạo Tối cao, Hội đồng Giám hộ, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao.
Khi cựu Tổng thống theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng hồi tháng 5, ông Pezeshkian chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông đã chọn một chiến lược rất giống với Hassan Rouhani năm 2013. Đó là tập trung vào những khó khăn kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt trong nhiều năm do các lệnh trừng phạt của phương Tây, và đổ lỗi cho các đối thủ bảo thủ của họ đã gây ra tình trạng này bằng lập trường chống phương Tây “cực đoan” của họ.
Là một phần trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Pezeshkian đã tuyển dụng Mohammad Javad Zarif, cựu Ngoại trưởng, người đã giúp đạt được thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015. Mặc dù bản thân ông Zarif không phải là một nhà cải cách nhưng ông đã vận động rất nhiều cho ông Pezeshkian.
Đối đầu với lãnh đạo tối cao?
Trong tuyên ngôn của mình, ông Pezeshkian tuyên bố rằng chính sách đối ngoại của ông sẽ “không chống phương Tây, cũng không chống phương Đông”. Ông chỉ trích các chính sách của cựu Tổng thống Raisi nhằm đưa đất nước đến gần Nga và Trung Quốc hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế là thông qua đàm phán với phương Tây, để chấm dứt bế tắc hạt nhân và giảm bớt các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử, Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã chỉ trích những ý tưởng này. Ông Khamenei gọi những người tin vào việc đạt được sự thịnh vượng thông qua quan hệ thân thiện hơn với Mỹ là "bị lừa dối", và ông chỉ ra thực tế rằng chính Mỹ chứ không phải Iran đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó theo Hiến pháp Iran, ông Khamenei (85 tuổi) là người ra quyết định chính. Ông là một giáo sĩ Shia, là một nhà cách mạng năm 1979 và đã leo lên nấc thang quyền lực để trở thành nguyên thủ quốc gia vào năm 1989. Ông được biết đến với sự thù địch về ý thức hệ đối với Israel và Mỹ, sự ngờ vực sâu sắc đối với phương Tây. Trong 2 thập kỷ qua, ông tích cực ủng hộ học thuyết “nhìn về phương Đông”, nghĩa là chấm dứt chính sách không liên kết cũ và nghiêng về Trung Quốc và Nga trên trường quốc tế.
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong chính sách của Iran trong khu vực là Lực lượng Quds (đơn vị bên ngoài của IRGC). Tổng thống không có bất kỳ quyền kiểm soát trực tiếp nào đối với họ, và chỉ có Lãnh đạo Tối cao mới có thể quyết định hành động của họ. Ông Khamenei nhiều lần tuyên bố những gì Quds làm là cần thiết cho học thuyết an ninh của đất nước.
Vì vậy, khi ông Pezeshkian nói về một chính sách đối ngoại khác, với cách tiếp cận thân thiện hơn với phương Tây, cơ hội thay đổi hoạt động của Iran ở các quốc gia như Lebanon, Syria và Yemen là rất mong manh.
Tuy nhiên, Tổng thống là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Iran, và Bộ ngoại giao vẫn có thể giúp định hình và thực thi chính sách. Họ có cơ hội thúc đẩy tầm nhìn của mình thông qua vận động hành lang chính trị đằng sau cánh cửa. Hành động này đã xảy ra vào năm 2015, khi Tổng thống theo đường lối ôn hòa lúc bấy giờ là Hassan Rouhani thuyết phục những người theo đường lối cứng rắn, bao gồm cả chính ông Khamenei, chấp nhận thỏa thuận.