PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông bình luận gì về xu hướng này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Chủ trương của Chính phủ và NHNN muốn giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn vay vốn NH với giá rẻ hơn.
Theo đó, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm; giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Các NH cũng theo chủ trương đó giảm lãi suất huy động.
Hơn nữa, các NH không có nhu cầu huy động vốn cũng là điều kiện để giảm lãi suất đầu vào. Bởi năm 2020 tiền gửi tăng trưởng tốt, trong khi các nhà băng thận trọng hơn trong cho vay so với các năm trước để tránh nợ xấu trong bối cảnh rất nhiều DN gặp khó khăn do dịch bệnh.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 12,13%, rất thấp so với những năm trước, nên thanh khoản NH rất dồi dào, là điều kiện để lãi suất huy động giảm.
Xu hướng giảm lãi suất huy động này ít nhất còn kéo dài trong quý I-2021. Bước sang quý II, lãi suất đầu vào sẽ tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và hồi phục của nền kinh tế. Nếu tình hình dịch bệnh còn nghiêm trọng, tác động đến nền kinh tế, sẽ làm giảm nhu cầu vay của DN, từ đó lãi suất cũng sẽ tiếp tục giảm.
Ở chiều ngược lại, nếu vào quý II kinh tế phục hồi tốt hơn, nhu cầu vay của DN sẽ tăng, các NH phải huy động vốn nhiều hơn bằng cách tăng lãi suất huy động để đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay của DN. Khi đó, lãi suất huy động có thể sẽ tăng trở lại. Và qua đến nửa sau năm 2021, nếu nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ, lãi suất chắc chắn sẽ tăng.
Vì ngoài yếu tố nói trên, khi nền kinh tế hồi phục trở lại, NHNN có thể tìm cách kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Như vậy, xu hướng lãi suất sẽ tùy thuộc vấn đề kiểm soát dịch bệnh và độ hồi phục của nền kinh tế từ quý II.
- Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất đầu vào giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Đúng là lãi suất cho vay hiện nay không giảm tương xứng so với lãi suất huy động. Mặt bằng chung giảm lãi huy động khoảng 40-50%, trong khi lãi vay chỉ giảm khoảng 20%.
Lý do lãi vay không giảm tương xứng vì hoạt động cho vay của các NHTM tại thời điểm này rất rủi ro. Rủi ro này đã bắt đầu tăng từ năm ngoái khi dịch bệnh ập đến và tiếp tục tăng trong năm nay, khi sức khỏe tài chính nhiều DN suy yếu.
Vì thế, các NH cần giữ biên độ lợi nhuận cao giữa lãi suất đầu vào và đầu ra, để có thể tự dự phòng, tự bảo hiểm nhằm khi tình hình nợ xấu tăng cao có lợi nhuận để xử lý. Nếu trước đây trong điều kiện bình thường, chênh lệch giữa đầu vào đầu ra của các nhà băng khoảng 3%, khi rủi ro tăng lên họ đẩy biên độ lên khoảng 4% để dự phòng, tạo gối đệm để xử lý rủi ro.
Giao dịch tại OCB (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
- Nhưng biên độ 4% sau ưu đãi nhiều NH đang áp dụng có quá cao so với sức khỏe DN hiện nay, thưa ông?
- Các NH là nhà kinh doanh tiền nên họ phải giữ biên độ lợi nhuận phù hợp, trong điều kiện bình thường khoảng 3%. Khi rủi ro tăng họ có thể tăng biên độ. Đó là nguyên tắc chung của các nền kinh tế. Song ở Việt Nam do nền kinh tế lệ thuộc chủ yếu vào tín dụng NH, các nhà băng dễ thực hiện việc nâng biên độ hơn.
Đơn cử, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào NH, trong khi các công ty tài chính thị phần thấp. Ngược lại ở Mỹ, công ty tài chính chiếm thị phần lớn, vì những hãng sản xuất sản phẩm như ôtô, tủ lạnh, máy tính… đều có công ty tài chính riêng để người tiêu dùng vay mua sản phẩm của họ. Chính vì thế, các NH Mỹ khó tăng biên độ dễ dàng như Việt Nam.
- Như vậy theo ông, cơ hội tiếp cận vốn rẻ như mong đợi của nhiều DN có thành hiện thực?
- Có thể nói trong bối cảnh dịch bệnh, ngành NH lại có một số thuận lợi nhất định so với các lĩnh vực kinh tế khác.
Cụ thể, lợi nhuận NH vẫn tăng trưởng tốt, một phần vì lãi suất đầu vào đã giảm đáng kể. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm chậm hơn giúp biên lợi nhuận ngành cao hơn năm trước. Phía cơ quan quản lý cũng muốn các NH giảm lãi suất đầu ra nhiều hơn nữa nhưng họ cũng hiểu các NH đang gặp rủi ro.
Vì vậy, họ cũng chấp nhận việc các NH có biên độ lợi nhuận cao hơn, tức không giảm lãi suất cho vay tương xứng với lãi suất huy động. Và như tôi dự báo ở trên, nếu qua giữa năm 2021 nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ, lãi suất chắc chắn sẽ tăng cả 2 đầu, vì đầu vào tăng để hút vốn sẽ tác động đến đầu ra.
Thời gian qua, nhiều DN cũng đẩy mạnh tìm vốn qua kênh trái phiếu DN, vì nguồn vốn huy động trái phiếu cũng có lãi suất tốt hơn lãi vay (ngoại trừ nhóm DN bất động sản). Nhưng từ tháng 9-2020, Chính phủ có quy định mới siết chặt lại thị trường trái phiếu DN và đầu năm nay cũng có thêm một số quy định khác. Vì vậy, việc chuyển hướng tìm vốn qua kênh này tuy vẫn có nhưng cũng sẽ thấp hơn nguồn vốn từ tín dụng.
- Xin cảm ơn ông.