Theo đó, từ ngày 13 đến 16-11, sẽ có 450 doanh nghiệp đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và 29 tỉnh thành trong nước tham gia Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2019. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác đầu tư cũng như xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương, cho biết, những mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam được chọn để hỗ trợ xúc tiến thương mại lần này tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau quả tươi, thủy hải sản, đồ uống, thực phẩm chế biến và thiết bị công nghệ chế biến thực phẩm.
Tham gia chương trình này, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông sản, thực phẩm nội; tăng khả năng kết nối thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trên thị trường.
Các doanh nghiệp đến từ Australia, Canada, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… có cơ hội tăng cường giao thương, nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm Việt chất lượng, chính hiệu. Những doanh nghiệp sản xuất công nghệ có cơ hội gia tăng thị phần bởi nhu cầu chuyển đổi công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, nông sản Việt Nam hiện rất lớn.
Đánh giá về khả năng tương thích chất lượng sản phẩm Việt so với rào cản kỹ thuật mà các thị trường xuất khẩu khó tính trên thế giới đang áp dụng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết thêm, doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng rất tốt những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của nhà phân phối ngoại. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp trong nước cần chủ động gia nhập thị trường.
Việc tham gia chương trình xúc tiến lần này, doanh nghiệp Việt không những có cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông sản Việt, hợp tác liên kết đầu tư mà còn có thể mở rộng thị trường xuất khẩu với rủi ro thấp nhất. Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, dịp này bộ sẽ hỗ trợ kết nối trực tiếp hơn 400 doanh nghiệp sản xuất trong nước với 20 nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn trên thế giới như Lotte, Amazon, Aeonmall...
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt hơn 33,18 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2018. Bộ Công thương sẽ tổ chức tập huấn doanh nghiệp trong nước về rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại; kết hợp địa phương hỗ trợ chuyên sâu gia tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia… để gia tăng sự nhận diện cũng như phát triển thương hiệu nông sản Việt.