Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông khẳng định: APEC đã trở thành một khu vực phát triển năng động và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Các DNNVV hiện chiếm đại bộ phận trong các nền kinh tế APEC, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều sản phẩm, dịch vụ của DNNVV có giá trị gia tăng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của các nền kinh tế APEC.
Tuy vậy, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, nhiều DNNVV vẫn gặp nhiều DNNVV cần tăng cường quản lý hiệu quả, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tiếp cận tài chính, tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, nếu tận dụng được những tiến bộ trong xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các DNNVV phát triển nhanh hơn.
Tại cuộc họp, các đại biểu từ các nền kinh tế thành viên đã tập trung thảo luận để tìm kiếm biện pháp kinh doanh, đổi mới và tiếp cận nguồn tài chính, hệ sinh thái kinh doanh và tiếp cận thị trường cho phát triển DNNVV. Nhóm làm việc cũng thảo luận về tiềm năng hợp tác, đồng thời xác định những lĩnh vực ưu tiên để tăng cường khả năng cạnh tranh trong khu vực APEC.
Để thúc đẩy DNNVV phát triển, đại diện Nhóm công tác DNNVV của APEC, cho rằng, Chính phủ trong cộng đồng chung APEC cần phải thực hiện các chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ, cải thiện việc tiếp cận tài chính và cấp vốn hỗ trợ cho DNNVV phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, tăng sức cạnh tranh DN, giúp DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua tự do hóa thương mại xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế cần có nguồn ngân sách cụ thể hỗ trợ DN khởi nghiệp ở thời điểm khởi sự. Tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ để DNNVV giảm bớt gánh nặng về thủ tục và quy định. Khuyến khích đơn giản và đồng bộ hóa các quy định và thủ tục hành chính…